Chuyện tình của người trinh nữ tên Thi (Hoàng Thi Thơ)

Trong kho tàng sáng tác đồ sộ của nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ, chúng ta gặp một bản nhạc có giai điệu và ca từ khá lạ: chúng tôi muốn nói đến “Chuyện tình của người trinh nữ tên Thi”. Theo tâm sự của tác giả thì đây là một câu chuyện có thật và nguyên mẫu “người nghệ sỹ đã có gia đình” là chính nhà nhạc sỹ. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của nhạc sỹ Tuấn Khanh để người yêu nhạc hiểu thêm về Hoàng Thi Thơ và nhạc phẩm bất hủ này.

 

Nhớ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

(Nguồn: bài viết của tác giả Tuấn Khanh đăng trên tuoitre.vn ngày 2013-03-22)

Ðêm nhạc Hoàng Thi Thơ sắp tới là dịp để khán giả được nghe lại và hoài niệm về một tài năng lớn, người đã tạo ra một con đường âm nhạc riêng tràn ngập những hình ảnh, câu chuyện và giai điệu Việt Nam đáng để ngưỡng mộ.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cùng vợ là Thúy Nga – nghệ sĩ phong cầm – Ảnh tư liệu

Một vài ca khúc của ông được hát lên trong chương trình ngày 23-3 tại TP.HCM có lẽ chỉ vừa đủ để gợi nhớ đến một gia sản đồ sộ đã làm giàu có cho nền âm nhạc Việt. Không chỉ là tác giả của gần 600 bài hát, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng là đạo diễn điện ảnh, sáng tác và dàn dựng nhạc kịch, trường ca, nhạc cảnh, nhà sản xuất chương trình, viết sách giảng dạy âm nhạc, nghiên cứu và giới thiệu âm nhạc dân tộc thiểu số… cũng như là người đào tạo nhiều giọng ca danh tiếng như Hoàng Anh, Sơn Ca, Họa Mi…

Có thể nói cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một hành trình dài kể lại những câu chuyện vui buồn trên đường quê hương, đặc biệt là những câu chuyện về những người con gái, mà chuyện đời đủ để làm rơi lệ hàng triệu người. Nhiều nhạc phẩm này của ông gần như được mọi người biết đến, được hát lên ở mọi lứa tuổi.

Một trong những bài hát sẽ trình bày trong đêm “Tuyệt phẩm Hoàng Thi Thơ” là bài Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi – một ca khúc thuộc thể loại “hit song” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong nhiều thập niên. Trong một lần trò chuyện với ký giả văn nghệ Trường Kỳ, ông xác nhận đó là một ca khúc được viết từ câu chuyện có thật. Thi là tên của một thiếu nữ Ðà Lạt, yêu một nghệ sĩ có gia đình. Mối tình của Thi rất thiết tha và lý tưởng. Nhưng mối tình ấy trở thành tuyệt vọng để cuối cùng người trinh nữ tên Thi ấy đã chết một cách bi thương. Qua một cuộc phỏng vấn, người nghệ sĩ đề cập trong nhạc phẩm này, được hình dung rằng đó chính là ông, là Hoàng Thi Thơ của năm 1970.

Âm nhạc của Hoàng Thi Thơ là một nét độc đáo, không lẫn lộn với bất kỳ ai. Nhạc thuật của ông biến hóa đôi khi hết sức dàn trải, đôi khi lại ứng dụng phương thức điệp âm, môtip rất gần gũi dễ nhớ, nhưng trong ca từ luôn luôn giàu có hình ảnh những nét đẹp của quê hương, khát vọng cho một tương lai tươi sáng. Giai điệu của ông phần lớn sảng khoái, sôi nổi và là một sự kết hợp độc đáo của phong cách của miền Trung – Quảng Trị quê hương ông và miền Nam – nơi ông có hơn 40 năm sống và sáng tác, hoạt động nghệ thuật.

Vốn từng tham gia kháng chiến, là bạn của những nghệ sĩ thế hệ đầu của Việt Nam như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Lưu Trọng Lư… miêu tả của ông trong âm nhạc cũng đầy tính cổ điển nhưng lại rất thơ mộng và dân dã. Nhiều bài hát của ông gần như là bài hát “cửa miệng” của các thế hệ người Việt dù ở trong nước hay đi xa, như Ðường xưa lối cũ, Trăng rụng xuống cầu, Rước tình về với quê hương, Ðám cưới trên đường quê, Ô kìa đời bỗng dưng vui

Cuộc đời âm nhạc của Hoàng Thi Thơ luôn sôi động với nhiều sự kiện, với những tác phẩm ấp ủ chuẩn bị ra đời. Sống trọn vẹn với nghệ thuật, đến mức những năm cuối đời, sống xa quê hương dù sức khỏe đã yếu, Hoàng Thi Thơ vẫn mơ ước viết các opera nhạc hiện đại về lịch sử Việt Nam. “Tôi khổ lắm vì đến lúc này mà trái tim vẫn còn rung động” – ông nói khi đang nằm trên giường bệnh lúc 74 tuổi. Ba tháng sau, ông qua đời ở Huntington Beach (Mỹ) ngày 2-10-2001.

Lời trối trăng sau cùng của ông, vì chứng kiến thảm họa tháp đôi ngày 11-9-2001 tại New York, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mong rằng toàn bộ phần tiền phúng điếu ông sẽ được gửi đến quỹ tương trợ dành cho các nạn nhân của cuộc khủng bố đó.

TUẤN KHANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *