Âm thanh mộc mạc nhưng đầy mê hoặc từ những chiếc máy chơi băng cối vẫn là một thú chơi tao nhã và tốn kém của một thành phần nhỏ người yêu nhạc xưa. Dòng Nhạc Xưa xin mượn một bài viết đăng trên tapchiaudio.com để chúng ta hiểu rõ hơn về trào lưu chơi băng cối.
Sống lại trào lưu chơi Băng Cối
(Nguồn: bài viết của tác giả TCA đăng trên tapchiaudio.com ngày 2016-02-27)
Tạp Chí Audio – Trong những năm gần đây, trong giới chơi audio ai nấy đều sở hữu cho mình những chiếc băng cối trong bộ sưu tập. Trên các diễn đàn mua bán như Phố Mua Bán, Chợ Tốt, Ebay … có hẳn 1 forum chuyên dành cho mục mua bán trao đổi băng cối. Liệu rằng trong thời đại nhạc số hiện nay trào lưu Analog sống lại…
Hiện nay băng cối không còn được bày bán rộng rãi như các thiết bị âm thanh khác tại các shop audio, nhưng nguồn hàng băng cối dường như rất lớn do nhu cầu của người dùng ngày càng nhiều.
Theo dõi một số diễn đàn mua bán audio, chúng tôi được biết dường như các đầu băng cối đang bán hiện nay đa phần là hàng nhập từ Campuchia, Mỹ (ebay) và Nhật Bản, một số còn lại trong nhà một số người dân được sử dụng trước năm 1975.
Thú chơi băng cối ngoài việc thưởng thức âm thanh tuyệt vời của nó phát ra, người chơi còn xem nó như một món hàng trang trí sang trọng, thể hiện đẳng cấp của gia chủ hoặc dùng để trưng bày tại một số quán cafe audio…
– Về chất âm, rất nhiều người cho rằng chơi băng cối là hướng về âm thanh Analog mộc mạc của thuở ban đầu, khi giọng hát của ca sĩ bao trùm lên nhạc đệm. Một chất chơi của sự hoài cổ.
– Để có thể mua được đầu băng cối ưng ý và hợp túi tiền các bạn nên tìm hiểu các thông số của đầu băng cối, nguyên lý hoạt động và giá trên một số web như ebay hay các diễn đàn về audio trước khi ra quyết định.
– Về cấu tạo đầu băng cối được chia thành 2 phần quan trọng nhất đó là phần cơ truyền động và đầu đọc (đầu từ). Có thể nói nôn na đầu băng cối như 1 chiếc cassette thu nhỏ, 2 cuộn băng cối được gom vào 1 cuốn băng vậy.
– Vì đầu băng cối có tất cả trong một như nguồn phát, ampli và loa phát trực tiếp nên khi mua các bạn nên chú ý tới các phần như: đầu từ (đầu đọc băng), động cơ quay, tốc độ quay băng, loa, các đồng hồ, ngoại hình và nội thất bên trong. Đặc biệt nên nghe thử và cảm nhận chất âm nó và nên mua những nơi bán uy tín để tránh những thiệt hại không đáng có.
– Về giá thì đầu băng cối hiện nay giao động từ 3 triệu đến 70 triệu bao gồm một số thương hiệu nổi tiếng như: AKAI, TEAC, AMPEX, STUDER, SONY, TESLA, BELL & HOWELL, PIONEER, DOKORDER, REVOX, WILCOX-GAY…
– Ở bất kỳ thú chơi nào đều cũng tốn kém tiền bạc và công sức, chơi băng cối đòi hỏi người chơi có một tâm hồn yêu nhạc, có tính cẩn thận và tỉ mỉ. Các phụ kiện cho đầu băng cối như reel nhôm giá khoảng 500 nghìn đến 2 triệu đồng, đầu khử từ, băng cối thì giao động khoảng 200 nghìn đến 1 triệu đồng. Có cung ắt sẽ có cầu, hiện nay các diễn đàn mua bán có rất nhiều Audio saler bán các phụ kiên, băng cối đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
– Khi sử dụng đâu băng cối các bạn nên thường xuyên lau chùi cẩn thận đầu từ và bôi trơn phần cơ quay của máy. Các bệnh thông thường của máy như đâu từ bị xướt hoặc bị mòn (nếu dùng đầu từ sắt) và các dây đai bánh cao su sau một thời gian sử dụng sẽ bị chai.
– Về băng cối thì cũng nên bảo quản cẩn thận, băng rất dễ bị mốc. Tránh đặt băng vào một số nơi ẩm ướt, có từ tính cao sẽ làm hư băng vì băng có tráng lớp bột từ.
Một số đặc điểm của đầu băng cối :
– Không có chế độ Audio Reverse: Máy chỉ phát và thu một chiều (3 đầu từ: một xóa, một thu, một phát).
– Chế độ Auto Reverse: Máy có thể phát và thu hai chiều (6 đầu từ: hai xóa, hai thu, hai phát).
– Đầu từ sắt: thu, phát rõ, âm thanh hay, nhưng không bền, dễ bị mòn theo thời gian.
– Đầu từ Ferrite: thu, phát rõ rất ổn định, âm thanh dày dặn, siêu bền.
– Đầu từ 2 track: thu, phát chỉ được một mặt băng (thường sử dụng băng Master, cho âm thanh tiêu chuẩn).
– Đầu từ 4 track: thu, phát cả hai mặt băng (thông dụng cho tất cả các loại băng đĩa đã phát hành).
– Đầu từ 8 track: thường sử dụng cho các phòng thu âm.
– Điện áp sử dụng: 100 v đến 260 v.
Video về băng cối: