Diệt Phát Xít (Nguyễn Đình Thi)

Trong những ngày đầu tháng năm này (08-09/05/2015), thế giới đang kỷ niệm Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, cuộc chiến được cho là khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.  Chiến Tranh Thế Giới II gắn liền với một chủ nghĩa Phát Xít cực đoan, phi nhân tính mà đứng đầu là nước Đức Quốc Xã.

Cùng với hàng tỷ con tim yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Diệt Phát Xít” của cố nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi để qua đó thế hệ trẻ hình dung phần nào về lịch sử của dân tộc, qua đó có nhận định đúng hơn về giá trị của hòa bình, dân chủ và tự do.

Diệt Phát Xít (Nguyễn Đình Thi). Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net
Diệt Phát Xít (Nguyễn Đình Thi). Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net

CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ BÀI HÁT ‘DIỆT PHÁT XÍT’ CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI
(Nguồn: vov.vn)

Mỗi lần xa quê hương, xa đất nước mà nghe nhạc hiệu “Diệt phát xít” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) thì lòng tôi cứ xốn xang, bồi hồi. Tôi đã đôi lần trải qua những thời khắc đáng nhớ ấy, nên càng yêu mến tiếng nói quê hương, tự hào về nó.

Trong thời gian công tác ở Đài TNVN, tôi được vài lần gặp gỡ với ông Nguyễn Đình Thi – Tác giả của bài hát “Diệt phát xít” khi đến trò chuyện với anh chị em biên tập văn nghệ. Vốn là người “nhà Đài” từ những ngày đầu mới thành lập, như lời Tổng biên tập Trần Lâm giới thiệu, nên buổi gặp gỡ nào cũng thân mật, chân tình. Có lẽ vì vậy mà ông đã trải lòng mình, kể nhiều chuyện vui buồn, những lo âu của nghề biên tập cũng như trên bước đường nghệ thuật của một nhà văn hóa lớn đầy tài hoa về văn, thơ, họa, nhạc, kịch…

Nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi (Ảnh: Văn Nghệ Quân Đội)
Nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi (Ảnh: Văn Nghệ Quân Đội)

Tôi đã hỏi ông về sự ra đời của bài hát “Diệt phát xít”. Nguyễn Đình Thi như nhớ lại rồi chậm rãi kể: “Khoảng năm 10 tuổi, bố tôi bắt tập đàn Nguyệt, dần dà đánh thạo được mấy bài Cổ Bản, Tứ Đại Cảnh, Lưu Thủy… Thấy hay hay, tôi học thêm đàn Mandolin và đánh được mấy bản nhạc Tây. Tôi học lý thuyết từ sách dạy nhạc của trường Tiểu hoc Pháp do bố mẹ mua. Tôi tự học nhạc bằng nghe nhiều hơn, có lẽ vì vậy mà tôi viết nhạc không nhiều.

Vào đầu năm 1945, đời sống của Hà Nội rất thê thảm. Cả nội ngoại thành người chết đói la liệt. Tôi chưa nhìn thấy cảnh đó bao giờ. Chúng tôi chưa đến nỗi chết, nhưng cũng đói vàng mắt, mềm người.

Hồi đó, tôi và một số anh em hoạt động trong hội Văn hóa Cứu Quốc nhận được chỉ thị của Trung ương về Nhật, Pháp bắn nhau. Chỉ thị đó như kêu gọi, như thúc giục. Truyền đơn của Việt Minh và các tờ báo như Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc được truyền tay nhau đọc. Phong trào cướp kho thóc, phá nhà giam, cướp vũ khí của địch từ ngoại thành và các vùng phụ cận dội đến. Tin về khu giải phóng Việt Bắc, tin về quân đội Liên Xô đánh quân Phát xít ở châu Âu thua tơi bời, đang dồn vào tận hang địch.

Chúng tôi thấy rõ bọn Phát xít sắp bị tiêu diệt. Ở ta thì quân phiệt Nhật sắp ngã gục. Thời cơ nổi dậy của các dân tộc đang đến. Những cái tôi viết hồi bấy giờ là trong không khí như vậy. Hai chữ Phát xít hầu như ai cũng nghĩ đến, cũng nói đến. Anh Văn Cao, anh Đỗ Nhuận là hai bạn học và cùng hoạt động ở Hải Phòng, nay cùng tham gia viết và in báo Độc Lập.

Một hôm, chúng tôi bàn nhau mỗi người viết một bài hát cách mạng để đáp ứng yêu cầu của phong trào. Ít hôm sau, chúng tôi đã có ‘Tiến quân ca’ (Văn Cao), ‘Du kích ca’ (Đỗ Nhuận). Tôi nghe nói ở trong Nam, anh Lưu Hữu Phước vừa viết xong ‘Lên đàng’. Riêng tôi hơi vất vả mới hoàn thành xong ‘Diệt Phát xít’. Bài hát của tôi không in trên báo Độc Lập như hai bài của Văn Cao và Đỗ Nhuận, tôi chỉ chép tay mấy bản đưa đến mấy nơi tập cho các bạn trẻ.

Có lẽ do nội dung bài hát là lời kêu gọi khởi nghĩa, phù hợp với chương trình hành động của Việt Minh, nên được nhiều người hát trong các cuộc sinh hoạt. Giữa tháng 8, tôi đi Tân Trào để dự họp nên không được chứng kiến cuộc mít-tinh ngày 17. Anh em kể lại rằng, chiều hôm đó, không khí sôi sục của quần chúng tiến đến tổng khởi nghĩa, trong cuộc diễn thuyết ở Nhà hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng rất to được buông từ trên nóc xuống.

Sau bài hát tập thể ‘Tiến quân ca’, một anh thanh niên bước ra trước máy phóng thanh hát luôn bài ‘Diệt Phát xít’. Nghe kể lại mà tôi vui quá, nước mắt cứ chạy vòng quanh. Sau cuộc mit-tinh, Hội khuyến nhạc ở Hà Nội in thêm nhiều bản, dàn nhạc Bảo An Binh (đã về theo cách mạng) hay diễn tấu ở những nơi đông người, dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên. Bài này cũng đã biểu diễn mở đầu cho Tuần Lễ Vàng ở Hà Nội. Cũng từ đó, tôi vinh dự được anh Trần Lâm lấy bản nhạc ‘Diệt Phát xít’ làm nhạc hiệu cho Đài TNVN…”.

Chất hành khúc kêu gọi của bài hát “Diệt Phát xít” đã thể hiện nét nhạc nhảy quãng 4 (sol đô) theo tiếng kèn đồng giục giã và nhấn mạnh: “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than” (Si la sol la si sol la ). Trên cơ sở đó tác giả đã phát triển các đoạn nhạc rất khéo léo xen lẫn giữa trữ tình và bi tráng: “Đã đến ngày trả mối thù chung… Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao”. Kể cả nét nhạc thúc bách mau mau hành động: “Đồng bào tuốt gươm vùng lên…Giành lại áo cơm tự do”.

Chủ đề âm nhạc mở đầu là “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than”. Chủ đề này còn được nhắc lại ở đoạn kết “Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam! Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm. Việt Nam, Việt Nam muôn năm”.

Giữa những ngày tháng 9 lịch sử này, mỗi khi nghe bài hát “Diệt phát xít” càng nhớ một người con của Hà Nội, một sĩ quan quân đội nhân dân và là đồng nghiệp của chúng tôi, đó là nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003). 11 năm trước, ông đã bay về phía “Mặt trận trên cao”, về với tổ tiên và thế giới người hiền, nơi có nhiều “Tia nắng”…/.

Nhạc sĩ Dân Huyền

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *