Tiếp nối chủ đề giới thiệu các nhạc công, những người âm thầm đóng góp vào nền nhạc xưa thông qua ngón đàn, nhịp trống, hay tiếng kèn saxophone da diết, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu guitarist Công Danh với ngón đàn guitar điện trứ danh.
Chúng tôi không có nhiều tư liệu về các clips mà nghệ sỹ Công Danh biểu diễn. Đây là những gì chúng tôi sưu tầm từ cafe Bụi trên Youtube.
Công Danh và cây ghi ta xuyên thế kỷ
(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Nguyễn Anh đăng trên TienPhong.vn ngày 2018-03-18)
Nghệ sĩ ghi ta Công Danh đã chơi đàn tại TPHCM từ trước 1975, trải qua nhiều thời đại với những thay đổi bể dâu, anh vẫn thường chơi những bản rock kinh điển và thậm chí cây đàn từ trước giải phóng anh vẫn còn giữ như một báu vật. Anh nói: “Lúc nào, ở đâu thì mình cũng giữ mình là một người nghệ sĩ”.
Chơi đàn trong tầm đạn
Anh Công Danh nói: “Trước năm 1975 có khá nhiều ban nhạc chơi nhạc Mỹ, nhưng anh thích tìm nghe và chơi lại những bản nhạc ít người biết, ít người nghe, nên khá lạ tai, nhưng cũng thú vị”.
Mấy anh em trong gia đình anh Công Danh đều mê nhạc và tự học, tự lập một ban nhạc mặc dù bố mẹ cũng không thật sự khuyến khích. Ban nhạc trong đó chủ lực là bốn anh em ruột gồm anh Thắng, anh Tạo, anh Danh, anh Thiện tự tập với nhau để chơi trong các quán nhạc. Bốn anh em mở băng nhạc Mỹ. Pháp, Anh… ra nghe rồi chơi theo giống hệt. Họ tới các tụ điểm chơi và được hoan nghênh. Anh Thiện nói: “Các ban nhạc thường không bền, khó tụ tập mà lại dễ tan vỡ. Chúng tôi là anh em trong một nhà nên ban nhạc chúng tôi rất ổn định về nhân sự, bài vở và lối chơi nhuần nhuyễn”. Anh Công Danh nói: “Ngoài chơi đàn ra, mình chẳng biết làm gì nữa, nên thực sự gắn bó với cây đàn như hình với bóng. Khi không có đàn đem theo thì mượn đàn của bạn để chơi cũng có nữa”.
Ban nhạc của anh Công Danh đi diễn ở nhiều trại lính Mỹ, hầu hết các vùng chiến thuật và anh Thiện nhớ lại: “Thực sự đó là những chuyến đi rất nguy hiểm do các đơn vị của Mỹ là mục tiêu tấn công của quân giải phóng. Hầu như tuần nào mấy anh em cũng đi lưu diễn ở các tỉnh và thật là may mắn khi bình an trở về”.
Anh Công Danh kể: “Lúc đầu nhạc cụ ở Sài Gòn rất hiếm, các xưởng Việt Nam tự làm. Khi lính Mỹ qua, họ đem theo nhạc cụ, các nghệ sĩ bên đó cũng qua, thiết bị hiện đại đi kèm”. Những trận đánh khốc liệt cuối cùng cũng kết thúc với các trận địa xác xơ và những doanh trại ngổn ngang. Ấn tượng cuối cùng mà cuộc chiến ấy để lại trong Công Danh đó là những chiếc đàn nằm ngổn ngang vô chủ: “Ở Biên Hòa, anh nhìn thấy những chiếc đàn Mỹ, những chiếc trống nằm ngổn ngang”.
Nhạc công của nhà máy
Sau năm 1975, tất cả các hoạt động xã hội đều chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã do nhà nước quản lý. Ban nhạc của Công Danh được hoạt động trong một nhà máy dệt may phục vụ giai cấp công nhân. Từ đó “nghệ danh” mới là Danh Sinco xuất hiện. Sinco là tên nhà máy dệt may mà anh chơi nhạc ở đó.
Các ban nhạc rock công nhân nhận nhiệm vụ biểu diễn các tác phẩm sôi động kích thích tinh thần làm việc của người công nhân trong hoàn cảnh đất nước khó khăn và chiến tranh biên giới diễn ra. Linh “xù”một nghệ sĩ nhạc rock nói: “Những tác phẩm nhạc rock viết ra thời điểm đấy phục vụ cho các đại công trường như khai thác dầu, làm thủy điện, xây dựng các nông trường”. Ban nhạc rock Sinco khi ấy có các ca sĩ Nhã Phương – Bảo Yến, rất được quần chúng yêu thích.
Năm 1984, anh Công Danh được mời vào Đoàn ca múa nhạc Bông Sen làm trưởng ban nhạc của đoàn cho tới những năm 1990. Anh kể: “Mình vừa chơi nhạc, vừa phối khí, tổ chức tập luyện cho cả đoàn”. Khi đó, đoàn Bông Sen là đoàn ca múa nhạc chủ lực của nhà nước tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Anh chơi rất thân với ca sĩ nhạc sĩ Thế Hiển, thậm chí có khi anh mượn cây đàn tốt của Thế Hiển để biểu diễn nữa.
Anh Công Danh kể: “Có lẽ may mắn lớn nhất khi làm người nghệ sĩ là được đi khắp đất nước. Đoàn chúng tôi có điều kiện đi diễn xuyên Việt mà nhờ thế tôi được ra các tỉnh thành miền Bắc, ra Hà Nội. Ở đâu chúng tôi cũng được đón tiếp rất nồng hậu”. Người viết bài này đã từng một lần được xem nghệ sĩ Công Danh biểu diễn trong chuyến đi xuyên Việt với ca sĩ Ngọc Tân. Khi đó, Ngọc Tân rất nổi. Nghệ sĩ Công Danh, với cây ghi ta gắn chặt bên mình, sát cánh cùng Ngọc Tân trên sân khấu, hòa tiếng đàn tiếng hát ấm áp, trữ tình, vừa mãnh liệt vừa sâu lắng.
Nghệ sĩ của “rock hầm”
Biến cố 1975 và sau đó là những cuộc vượt biên, đoàn tụ gia đình… đã kéo theo rất nhiều nghệ sĩ rock kỳ cựu rời khỏi Việt Nam. Sinco band là một trong số rất ít ban nhạc vẫn còn tồn tại từ trước 1975 đến nay dù họ đã “thay tên đổi họ”. Bởi thành viên trong ban nhạc đa phần là anh em trong một gia đình và những người bạn chí cốt. Rời khỏi Đoàn Bông Sen, anh Công Danh “gồng gánh” ban nhạc gia đình, chơi ở các quán bar bé nhỏ, đóng kín mà người ta thường gọi là nhạc “Rock hầm”. Một nơi trú ẩn của nhạc rock trong thành phố vậy.
Anh Thiện nói: “Lương chơi nhạc từ trước 1975 đến nay vẫn không thay đổi, mỗi đêm chơi nhạc đủ sống 3-4 ngày, nếu nuôi cả gia đình thì giỏi lắm được 2 ngày”. Cách đây vài năm, khi nạn cướp giật buổi tối nổi lên, quán xá về đêm rất vắng. Sinco band có khi mỗi tuần chỉ có một đến hai suất diễn.
Nghệ sĩ trống Phan Nam (Nhà hát giao hưởng Việt Nam) từ Hà Nội vào TPHCM mở quán nhạc. Anh kể: “Quán chúng tôi mới mở rất vắng. Anh Công Danh gần như chơi nhạc không công giúp tôi, vì những lúc quán vắng, anh thường bảo với ban nhạc là không lấy tiền cát sê”. “Là nghệ sĩ chính, kỳ cựu, trưởng ban nhạc nhưng tiền cát xê ít nhiều gì anh Công Danh cũng chia đều cho tất cả mọi người và làm việc gì anh cũng đều lấy ý kiến của tất cả mà không bao giờ áp đặt” – một ca sĩ trẻ trong ban nhạc cho biết.
Ngoài đời, anh ăn mặc giản dị, đôi khi chiếc vecpa cũ chết máy, anh đẩy một mình trên con phố mưa, chiếc áo mưa để trùm lên cây đàn. Một lần, anh ngồi nghe mấy bác ở đồng bằng lên chơi nhạc trong quán nhỏ. Thấy cái capo chặn dây của người nghệ sĩ già cũ quá. Anh bảo: “Bác đợi đây, tôi về nhà lấy tặng bác một cái chính hãng, còn mới”. Có lẽ đến giờ, bác ấy cũng không biết người đã cho mình cái chặn dây là nghệ sĩ ghi ta hàng đầu của Sài Gòn.
Lửa trong tâm hồn
Giới chơi nhạc rock, nhất là anh em trẻ, thường kháo nhau về tài chơi nhạc của Danh Sinco đó là “không bia rượu mà vẫn chơi nhạc bốc lửa”.
Số là anh em văn nghệ thường kháo nhau cái gọi “bí quyết”, trước hoặc trong khi chơi nhạc nên làm một chai bia, nửa điếu thuốc để chơi xung, nhất là với nhạc rock? Anh Công Danh nói: “Mình chơi nhạc từ xưa giờ nhưng không bao giờ uống bia rượu. Mình chỉ uống cà phê và nước suối nước ngọt”. Mỗi lần Công Danh lên sâu khấu nào thì nơi đó rộn rực, tưng bừng, mở hội. Chính tình yêu âm nhạc đã tạo nên lửa trong tiếng đàn của Công Danh.
Sở thích của anh Công Danh là sưu tầm đàn. Có thời điểm anh có tới 75 cái ghi ta và chúng được treo kín cả quanh giường ngủ của anh. Nhiều người nghĩ muốn đàn hay, cần có cây đàn tốt. Nhưng một người làm đàn sửa đàn là Nguyễn Hoàn nói: “Với anh Công Danh, mọi cây đàn vào tay anh ấy đều trở thành đàn tốt, đàn hay”. Công Danh hằng đêm chơi nhạc với cây đàn chỉ một vài triệu đồng. Thậm chí nhiều cây đàn không rõ thương hiệu gì. Anh nói: “Mình chọn đàn là dựa theo tiếng của nó, chứ không phải vì thương hiệu hay xuất xứ”.
Một bạn trẻ rất mê đàn và có lẽ vì thế, anh đã tặng cho bạn một cây đàn, kể: “Em tới xin mua, xem tới xem lui, cuối cùng anh Danh bảo: cầm lấy về mà chơi, không cần trả tiền đâu”. Nghệ sĩ Công Danh là người nghệ sĩ duy nhất không có học trò. Anh chẳng bao giờ nhận học phí của ai, không đứng lớp dạy ai. Nhưng, bất kỳ ai hỏi gì, anh đều ngồi lại chỉ dẫn.
Công Danh từng thu âm đĩa nhạc Guitar Saigon vol 1: Công Danh “Tìm lại mình” với những tác phẩm do chính anh viết ra với một phong cách chơi nhạc hoàn toàn khác với những gì mọi người vẫn thường nghe mỗi tối! Trong Công Danh vẫn luôn tiềm ẩn một con người nghệ sĩ cá tính mạnh mẽ và những xúc cảm âm nhạc tươi trẻ không bao giờ phôi phai.
Nhạc sĩ Kim Tuấn – một đàn em của guitarist Công Danh bày tỏ: “Với tôi, anh Danh là bậc đàn anh đáng kính trọng. Thời trẻ, tôi từng đứng sau cánh gà xem anh diễn và mơ ước có một ngày mình cũng được như vậy. Tôi học được từ anh những tố chất kỹ thuật điêu luyện và sự đam mê hết mình dành cho cây đàn. Có thể nói anh Danh là một trong những tay guitar hàng đầu của Sài Gòn cùng với Trung Nghĩa và Quốc Dũng”.
3/2018. Trần Nguyễn Anh