Ca sỹ Giáng Thu

Trong một bài viết trước về ca nhạc sỹ Mạnh Quỳnh (trước năm 1975), chúng tôi có đề cập đến ca sỹ Giáng Thu mà ngày đó đã kết hợp với Mạnh Quỳnh thành một cặp song ca ăn ý. Nếu như lớp nhạc Nguyễn Văn Đông có đôi Chế Linh – Thanh Tuyền thì bên Lê Minh Bằng có Mạnh Quỳnh – Giáng Thu nổi danh không kém. Dòng Nhạc Xưa không có nhiều tư liệu về ca sỹ Giáng Thu. Có người nói cô lai Ấn, cũng có người nói cô lai Pháp nên Giáng Thu sở hữu một khuôn mặt rất sáng sân khấu, cộng với giọng ca mộc mạc đầy tính tự sự, cô là giọng ca để lại dấu ấn một thời trong sinh hoạt âm nhạc Miền Nam trước 1975. Tuy nhiên sau 1975, cô ít xuất hiện và thời gian sau này gần không còn tham gia nhiều hoạt động văn nghệ nên chông chúng ít có dịp thưởng lãm giọng ca lừng lẫy thuở nào.

Chúng tôi xin mời bạn yêu nhạc nghe lại bản “Tuyết lạnh” với hai giọng ca Mạnh Quỳnh – Tuyết Thu.

Hình ca sỹ Giáng Thu trong một đĩa nhạc xưa.

Giáng Thu – Những Khúc Tình Ca Dang Dở

(Nguồn: trang Nhạc Xưa trên Facebook)

Giọng ca Giáng Thu là một khám phá của nhóm Lê Minh Bằng. Cô đến với sinh hoạt ca nhạc từ cuối thập niên 60s rồi nhanh chóng tạo cho mình một chỗ đứng trong lòng công chúng.

Chỉ ít lâu sau lần đầu tiên ra mắt công chúng, ca sĩ Giáng thu đã có nhiều ca khúc xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyên thông đại chúng cũng như trên sân khấu đại nhạc hội. Hãng dĩa Sóng Nhạc đã cho ghi âm nhiều ca khúc của cô hát đơn ca cũng như song ca với ca tên tuổi lừng danh đương thời như Chế Linh, Mạnh Quỳnh, Giang Tử … Nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của Giáng Thu như “Thiệp Hồng Báo Tin” của Minh Kỳ, “Tình Lỡ” của Thanh Bình, “Kẻ Đến Sau” của Trương Hoàng Xuân. Cô có nhiều ca khúc song ca với ca sĩ Mạnh Quỳnh thời bấy giờ như “Hai Đứa Giận Nhau” của Hoài Linh, “Tuyết Lạnh” của Lê Dinh và Phương Trà; hay Chế Linh với ca khúc ‘Phận Gái Thuyền Quyên” của Giao Tiên và Nguyên Thảo; Với Giang Tử trong ca khúc “Người Nữ Đồng Đội” của Song Ngọc hay “Căn Nhà Màu Tím” của Hoài Linh.

Không thấy ca sĩ Giáng Thu sinh hoạt ca nhạc sau năm 1975 tại Việt Nam. Nếu có thì chắc cũng sẽ khó cho cô hội nhập vào dòng nhạc mới mang đầy tính chiến đấu thời bây giờ. Giáng Thu không có làn hơi dài để ngân nga nhưng lại biết cách sắp xếp cách diễn tả câu cú môt cách khôn ngoan để hòa nhịp cảm xúc với người nghe. Khách thưởng ngoạn bị lôi cuốn bởi cách hát rõ chữ và biểu cảm từng nốt nhạc của cô. Giáng Thu có cách hát tỉ tê từng nốt nhạc như người xây từng viên gạch cho căn nhà cảm xúc của người nghe. Ca khúc được ca sĩ Giáng Thu chọn để trình bày thường là những bài tình ca đôi lứa. Đó có thể là tâm trạng của người con gái đang tuổi cập kê hay khúc bi thương của một cuộc tình đã mất. Xen kẽ với những bài tình ca như vậy là các ca khúc về người lính, về tình đồng đội hay về tâm tình của người em gái hậu phương đối với người anh miền chiến tuyến.

Ở mỗi hoàn cảnh, ca sĩ Giáng Thu lại có một số bài hát thành công riêng. Trong số các ca khúc ghi âm cho hãng dĩa nhựa Sóng Nhạc, tên tuổi của cô gắn liền với “Hai Đứa Giận Nhau”, “Tuyết lạnh”, hay “Thiệp Hồng Báo Tin”…. Có một điều ít được nhắc tới là trong những năm đầu của sự nghiệp ca hát của mình, Giáng Thu đã ghi âm ca khúc “Tàu Đi Xa” của Vũ Anh và thường xuyên được phát trong các chương trình ca nhạc chọn lọc và yêu cầu trên đài phát thanh. Khi cho ghi âm bài hát này vào dĩa nhạc, hãng Sóng Nhạc lại chọn ca sĩ Kim Loan. Bản ghi âm cho ca khúc “Tàu Đi Xa” qua giọng ca của Giáng Thu trên đài phát thanh năm xưa hiện vẫn chưa tìm ra. Giáng Thu cũng được công chúng yêu mến qua màn ảnh nhỏ của đài truyền hình THVN9. Người yêu nhạc thời bấy giờ vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của một Giáng Thu khép nép trên màn ảnh nhỏ của vô tuyến truyền hình với ca khúc “Thân Phận” của Lê Mộng Bảo. Bài hát được cô ghi hình năm 1969 và cũng là một trong những ca khúc tạo thành danh tên tuổi của Giáng Thu.

Giáng Thu có một nét đẹp kín đáo nhưng thật quyến rũ. Người ta nói cô có hai dòng máu Việt và Ấn. Cô không có vẻ đẹp sắc sảo như một minh tinh điện ảnh nhưng rất sáng sân khấu. Nhiều người lại cho nét đượm buồn trên gương mặt của cô có sức hấp dẫn kỳ lạ. Có lẽ nó hợp với những bài tình ca dang dở mà cô thường hay trình bày. Cô chọn cách sống kín đáo, không bon chen nên báo giới cũng không có có gì để viết về ca sĩ Giáng Thu ngoài nét đẹp kỳ bí phương đông và giọng hát truyền cảm rất đặc trưng của cô.

Sau khi sang Pháp định cư, ca sĩ Giáng Thu có thực hiện một số albums và thỉnh thoảng có xuất hiện trên video của một số trung tâm tại hải ngoại. Nhưng rồi người ta không thấy cô xuất hiện trên sân khấu nữa. Lại nghe nói Giáng Thu của ngày xưa giờ đây dành nhiều thời gian cho việc hành hương và tu học Phật Pháp.

Tuy vậy, giọng hát của Giáng Thu và những khúc tình ca dang dở của cô vẫn được công chúng ưu ái đón nhận. Giới thưởng ngoạn tìm nghe những ca khúc đã ghi âm từ trước năm 1975 như một cách để hoài niệm. Người nghe nhạc ra đời sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại tìm đến các ca khúc của cô như một chuẩn mực về cách diễn đạt một bài tình ca mà bây giờ quen gọi chung là “Nhạc Bolero” hay “Nhạc Vàng”. Sự góp mặt của ca sĩ Giáng Thu trong sinh hoạt ca nhạc Việt Nam, tưởng chừng như ngắn ngủi lại có một vi trí hết sức quan trọng. Cô đã góp phần làm nên thời kỳ vàng son của tân nhạc Việt và xứng đáng có môt vị trí trang trọng trong vườn hoa nghệ thuật Việt Nam.

Vancouver ngày 28 tháng 4 năm 2016

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *