Huỳnh Hiếu (hay Huỳnh Háo): tay trống tiền bối trong tân nhạc Việt Nam

Trong bài viết về nghệ sỹ guitar Trung Nghĩa, có một chi tiết nhắc nhớ người yêu nhạc về “Anh Hai” Huỳnh Háo (để phân biệt với “Anh Ba” là nhạc sỹ Huỳnh Anh). Hôm nay Dòng Nhạc Xưa xin được giới thiệu rõ hơn về nghệ sỹ Huỳnh Hiếu (1929 – 1994), tức Huỳnh Háo của chúng ta.

Nhạc sĩ Huỳnh Hiếu độc tấu trống tại vũ trường Đại Nam, Sài Gòn Ảnh: Tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu

Huỳnh Hiếu: Tay trống số 1 Đông Dương

(Nguồn: bài viết của tác giả Phạm Công Luận đăng trên tuoitre.vn ngày 2016-10-13)

Giới ca nhạc Sài Gòn thuật lại rằng trước năm 1975 có hai nhạc sĩ cùng họ Huỳnh được bạn bè trong nghề yêu mến gọi là anh Hai và anh Ba. Anh Ba là nhạc sĩ Huỳnh Anh, còn anh Hai là nhạc sĩ Huỳnh Háo.

Huỳnh Háo là tên gọi thân mật của nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu, gọi tắt là Huỳnh Hiếu. Sau khi sinh ra Huỳnh Hiếu năm 1929 tại Cần Thơ, nghệ sĩ Kim Thoa sinh liên tiếp vài người con nữa nhưng chỉ sau ba tháng mười ngày, như lời kể lại trong gia đình, những đứa em của Huỳnh Hiếu đều mất. Ông bà Tư Chơi – Kim Thoa tìm mọi cách để giữ con.

Lúc thì làm lễ cúng gửi con cho thầy pháp, lúc thì cải sang đạo Thiên Chúa… đều không giữ được đứa nào. Đến khi sinh cô con gái út, bà Kim Thoa phải đổi con từ họ Huỳnh của cha sang họ Phạm của mẹ thì mới sống. Cô là Phạm Thị Mỹ Ngọc, tự Marie. Tuy nhiên, việc đổi họ này đã nảy sinh mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Phải chăng ông Tư Chơi liên tưởng đến việc đổi họ của cô con gái đầu của ông với bà Phùng Há?

Do sinh trong gia đình nghệ sĩ nên từ nhỏ Huỳnh Hiếu đã có năng khiếu về âm nhạc, được tự do theo đuổi chí hướng của mình. Suốt thời tuổi nhỏ và mới lớn, Huỳnh Hiếu học âm nhạc với các nhạc sĩ Philippines trong ban nhạc của đoàn Kim Thoa. Họ lành nghề, đàn hay hát giỏi, năng khiếu âm nhạc rất mạnh. Nhờ có họ trong đoàn, năm 8 tuổi, Huỳnh Hiếu bắt đầu học ký âm pháp và đàn banjo với nhạc sĩ Bénito Cruz.

Ban nhạc Music Makers của Huỳnh Hiếu thường chơi tại các vũ trường Crystal Palace, Vân Cảnh năm 1972. Từ trái sang phải: Vương Minh, trống; Trần Vĩnh, saxo alto – được xem là thổi saxo hay nhất thời đó Ảnh: Tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu

Từ Nam Vang đến Sài Gòn

Năm 1945, lúc 16 tuổi, Huỳnh Hiếu theo đoàn Kim Thoa của cha mẹ lên Nam Vang lưu diễn. Đợt diễn này không gặp thuận lợi, đoàn không có tiền trả lương cho đào kép, nhân viên và không có tiền về nước. Đang khó khăn thì gặp may mắn, có một người phụ nữ giàu có người Việt có chồng làm nhà Đoan đồng ý bao giàn trong một tuần (sau này Huỳnh Hiếu trở thành con rể của bà).

Một điều may nữa là trong tuần lễ đó, Huỳnh Hiếu gặp lại thầy cũ trước kia đã truyền giao bí quyết môn đánh trống cho ông là nhạc sĩ Ringo – tay trống số 1 của Sài Gòn thập niên 1940. Ông ta đề nghị Huỳnh Hiếu ở lại thay chỗ của ông ở vũ trường tại Nam Vang, nếu nhận lời thì tiền hợp đồng sẽ đủ trang trải cho đoàn về nước.

Huỳnh Hiếu đồng ý ở lại biểu diễn, trả nợ cho cha mẹ, đồng thời rèn tay nghề cùng các nhạc sĩ ngoại quốc bên đó. Đoàn Kim Thoa trở về Sài Gòn và rã gánh luôn do chiến cuộc. Huỳnh Hiếu ở lại Nam Vang hai năm, vừa biểu diễn vừa học hòa âm với nhạc sĩ Nick Abelardo – người Pháp gốc Nam Mỹ.

Năm 1946, sau một năm ở lại Nam Vang, Huỳnh Hiếu tham gia cuộc thi đánh trống dành cho các tay trống Đông Dương trong một cuộc đấu xảo tổ chức ở thành phố này. Lúc đó, một người thầy dạy ông đánh trống là Ramola cũng dự thi và cuối cùng Huỳnh Hiếu đoạt danh hiệu “Tay trống đệ nhất Đông Dương”. Tuy được giải, ông không vui vì sợ thầy mình buồn và không bao giờ nhắc đến giải thưởng đó nữa.

Năm 1948, ông trở về Sài Gòn tham gia ban nhạc Nguyễn Văn Dung ở vũ trường Kim Sơn. Từ đó là thời gian hoạt động sôi nổi của Huỳnh Hiếu. Ông được các ban nhạc tranh nhau mời hợp tác biểu diễn. Ông tiếp tục tham gia các ban nhạc: ban nhạc Pháp George de Bruyne ở vũ trường Palis de Jade tại Sài Gòn do nhạc trưởng Larry Czifra, người Hungary điều khiển.

Ông còn được mời sang Bangkok năm 1955 để chơi trong ban nhạc George Meritan. Từ năm 1956, ông thành lập ban nhạc riêng chơi ở các vũ trường Tour D’Ivoire và Tabarin tại Sài Gòn. Ông cũng là tay trống của ban nhạc Lê Văn Thiện ở vũ trường Đại Nam.

Nghệ sĩ đa tài

Huỳnh Hiếu luôn được ca ngợi trong giới biểu diễn ca nhạc trước năm 1975 ở Sài Gòn. Trên báo Kịch Ảnh số 458 ấn hành trước năm 1975, nhạc sĩ Tùng Giang, cũng là một tay trống, nhận xét: “…Hiện anh là một tay trống thần sầu thuộc hàng sư tổ của những tay trống trẻ ngày nay (điều này không ngoa vì chính những tay trống học trò đầu tiên của anh đã là những người đào tạo ra nhiều tay trống xuất sắc cho giới trẻ…)”.

Hữu Thạnh nhớ lại cha anh kể rằng thời Tây, ông chủ xếp lương cho nhạc công tới 8 bậc khác nhau, trong đó nhạc công người Việt đứng hàng thứ 6, nhạc trưởng người Việt thứ 5, nhạc công người Phi thứ 4, nhạc trưởng người Phi thứ 3, nhạc công người Pháp thứ 2 và nhạc trưởng người Pháp thứ 1. Huỳnh Hiếu là người Việt nhưng mức lương là bậc 1, ngang với nhạc trưởng người Pháp.

Để được như vậy, Huỳnh Hiếu vừa say nghề vừa ham học. Ông luôn tìm tòi học hỏi chuyên môn của mình, thường nghe đĩa nhạc nước ngoài để tìm hiểu về kỹ thuật đánh trống của những tài danh về trống trên thế giới, trong đó có hai tay trống ông ngưỡng mộ là Buddy Rich và Shelly Mane. Ông còn sử dụng được đàn guitar, piano và đàn bandonéon (một loại phong cầm sử dụng nút bấm, không xài phím piano).

Ông khiến mọi người ngạc nhiên vì chỉ học trong một tuần đã có thể chơi được bandonéon vốn được xem là khó sử dụng. Ông còn thích hòa âm, sáng tác. Năm 1949, khi mới 20 tuổi, ông đã lập một ban nhạc 10 người lấy tên là ban ABC trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo chơi các bản nhạc tự hòa âm. Ông còn sáng tác nhiều ca khúc từng được trình bày trên đài phát thanh và sân khấu ca nhạc như Nhớ người phương xa, Tiếng đàn trong gió đông, Vì ai, Hương quê… Giọng hát của ông là giọng nam kim nhẹ (Ténor Léger) thường trình bày nhạc ngoại quốc.

Sau khi chia tay người vợ đầu là mẹ của nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh, Huỳnh Hiếu đi bước nữa với người vợ gốc Hoa, sống cuộc đời an bình cho tới khi mất năm 1994. Người vợ này cũng giúp lo an táng cha ông, nghệ sĩ Tư Chơi năm 1964.

Về người cha thân thương đã mất năm 1994, hình ảnh Hữu Thạnh nhớ mãi là một buổi tối năm 1962, ông Huỳnh Hiếu đi biểu diễn ở khu giải trí Đại Thế Giới về. Lúc đó, mẹ của Hữu Thạnh đã ra đi và ông đang cảnh gà trống nuôi con.

Ông mở cái cặp, từ trong đó có những con dế than, dế lửa bò ra. Sau buổi diễn, ông đã đi lòng vòng khu Đại Thế Giới để bắt dế cho đứa con trai bé nhỏ chơi. Lớn lên, Hữu Thạnh sớm lập gia đình, ra ở riêng. Nhớ một buổi sáng, anh ngủ say vì đêm trước diễn khuya và giật mình tỉnh dậy khi thấy cha đứng lù lù trước mặt đang nhìn mình. Anh hỏi: “Ủa, cha đi đâu vậy?”.

Ông mỉm cười: “Cha thấy nhớ con nên ghé qua thăm, thấy con đang ngủ nên nhìn vậy thôi!”. Thiếu vắng tình yêu thương gần gũi của song thân, Huỳnh Hiếu dồn hết tình thương cho đứa con trai duy nhất.

Hữu Thạnh tự hào về họ, dù sao họ đã sống trọn vẹn đời nghệ sĩ, tận tình với nghệ thuật và cũng đã biết yêu thương hết mình. Họ đã là những ngôi sao thật sự trong lòng của anh.

Tự hào và xót xa

Hai cha con nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu (Huỳnh Háo) và Huỳnh Hữu Thạnh trước một buổi diễn năm 1990 – Ảnh: Tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu

Nhớ lại hai người thân là ông nội, soạn giả Huỳnh Thủ Trung – Tư Chơi, và cha, nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu – Huỳnh Háo, anh Huỳnh Hữu Thạnh có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Anh vừa tự hào, vừa xót xa cho người ông tài hoa nhưng cuộc đời nhiều lúc điên đảo, lận đận.

Ông Huỳnh Hiếu thường kể con nghe về ông nội, dù thích uống rượu, khi tỉnh táo làm việc rất nghiêm túc, sức sáng tác mạnh mẽ, số tuồng viết ra rất nhiều. Khi điều hành đoàn Kim Thoa, ông dành thời gian trao đổi việc với nhân viên hằng ngày, yêu cầu nhân viên mang giày bata, đồng phục khi làm việc… là điều lạ đối với thời mà nhiều người còn quen đi chân đất.

Phạm Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *