Ngày xuân cùng Giáo sư Trần Văn Khê về với âm nhạc dân tộc

Nhân dịp xuân về, Dòng Nhạc Xưa mời quý vị và các bạn dành chút ít thời gian tìm hiểu về âm nhạc dân tộc cùng với cố Giáo Sư -Tiến Sỹ Âm Nhạc Trần Văn Khê.

 

Giáo sư Trần Văn Khê – ngọn hải đăng âm nhạc cổ truyền Việt Nam

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-06-26)

Ông sinh ngày 24 tháng 7 năm 1921tại Mỹ Tho, và từ giã cõi đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2015 tại Sài Gòn, hưởng thọ 94 tuổi.

Gia thế của Trần Văn Khê đặc biệt, bốn đời của hai phía nội và ngoại đều sản sinh những nhạc công, nhạc sĩ tài hoa về âm nhạc cổ truyền. Ông là anh ruột của nghệ sĩ “quái kiệt” Trần Văn Trạch nổi tiếng trước 1975.

Từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, thai nhi Trần Văn Khê đã nghe tiếng sáo, tiếng tiêu của các ông cậu thổi khi mẹ của ông về quê ngoại trong thời gian dưỡng thai. Khi lọt lòng và lớn lên thì cậu bé lại về phía nội và được nghe ông nội đàn tì bà, cha đàn độc huyền, cô đờn tranh, trong một khung cảnh đầy âm nhạc cổ truyền. Cho nên Trần Văn Khê lúc 6 tuổi biết đờn kìm, 8 tuổi biết đờn tranh, 12 tuổi biết đàn tranh và đánh trống nhạc.

Khi học tiểu học trường Pháp, Trần Văn Khê cũng học thêm chữ Hán với một nhà thơ.Ông là học sinh giỏi trường trung học Petrus Ký, năm nào cũng lãnh phần thưởng.

Đậu tú tài 1 năm 1940, tú tài 2 năm 1941, học đại học y khoa Hà Nội, trong lúc còn là sinh viên, ông thường sinh hoạt âm nhạc với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp du học lúc đó 28 tuổi và ông vừa đi làm vừa đi học. Ông chơi nhạc cổ truyền cho một số quán ăn tại Paris để kiếm sống. Tháng 8 năm 1951, ông bị bệnh nặng vào nằm nhà thương suốt 3 năm 2 tháng.

Trong thời gian nằm nhà thương ở Paris, Trần Văn Khê có cơ hội đọc rất nhiều sách tại thư viện và kiến thức mở mang rất nhiều.

Khi khỏi bệnh thì từ năm 1954 cho đến năm 1958, ôngchuyển sang học môn nhạc học và chuẩn bị trình luận án tiến sĩ dưới sự đỡ đầu của một số giáo sư người Pháp.

Tháng 6 năm 1958, Trần Văn Khê đậu bằng Tiến sĩ Văn khoa, môn Nhạc học. Luận án tiến sĩ của ông là: Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam và thêm 2 đề tài phụ là Khổng Tử Và Âm Nhạc và Vị Trí Âm Nhạc Trong Xã Hội Việt Nam.

Năm 1959, ông sáng lập Trung Tâm Nghiên Cứu Nhạc Đông Phương, giữ chức Giám đốc học vụ và Giáo sư Nhạc Việt Nam.

Từ lúc đậu Tiến sĩ Nhạc học năm 1958, ông bắt đầu nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam với đề tài “Đối chiếu nhạc cụ, nhạc lý và ngôn ngữ âm nhạc các nước Châu Á”.

Ông vào thư viện tìm thư mục, nghe các băng nhạc trong bảo tàng viện và đi điền dã tự chụp hình và ghi âm để làm bản kết quả hàng năm và mỗi năm phải viết mấy bài trong các tạp chí chuyên môn về âm nhạc cổ truyền. Ông cũng giảng dạy tại các trường đại học và đọc tham luận tại các hội nghị quốc tế về âm nhạc cổ truyền.

Trong hơn 27 năm làm việc, giáo sư Trần Văn Khê đã viết 200 bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp, đã dự hơn 200 hội nghị quốc tế gồm 67 nước trên thế giới.

Ông đã tự ghi âm 600 giờ âm nhạc khi trao đổi với các nghệ nhân và nghệ sĩ Việt Nam, thực hiện 15 đĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó có 4 đĩa được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp. Ông thực hiện nhiều đoạn phim về dân tộc nhạc học của các nước như cổ cầm của Trung Quốc, đàn tranh của Việt Nam.

Ngoài ra giáo sự Trần Văn Khê đã dạy môn âm nhạc cổ truyền trong trung tâm nghiên cứu nhạc Đông Phương, đỡ đầu cho nhiều sinh viên trình luận án tiến sĩ về âm nhạc truyền thống Châu Á và Châu Phi. Ông được mời làm giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học khắp thế giới về đề tài âm nhạc cổ truyền.

Những năm cuối đời ông trở về Việt Nam an hưởng tuổi già nhưng vẫn tiếp tục truyền bá kiến thức về âm nhạc cổ truyền cho thế hệ trẻ.

Theo cuốn hồi ký Đãi Cát Tìm Vàng ông cho biết có vài học trò ờ hải ngoại như Trần Quang Hải là con trai đầu lòng, Nguyễn Thuyết Phong ở Pháp, Lê Tuấn Hùng ( Úc) , Phạm Đức Thành ( Canada), Phạm Văn Kỳ Thanh ( Hoa Kỳ).

Ngoài ra còn có một số môn sinh của ông ở trong nước đã trờ thành những nhà nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc cổ truyền tại các đại học Việt Nam.

Ông cũng có thêm một số môn sinh là người ngoại quốc nay trở thành những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc nổi tiếng thế giới.

Cả cuộc đời giáo sư Trần Văn Khê chỉ có một công việc đam mê: nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá giá trị đặc sắc của âm nhạc cổ truyền Việt Nam và góp phần vinh danh giá trị đó ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Người ta coi ông là một thư viện sống, một bách khoa toàn thư về âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ông là người đã có công góp sức rất lớn vào việc thẩm định hồ sơ nhã nhạc cung đình Huế và hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên.

Ông đã chứng minh được những nét đặc sắc của hai loại hình nghệ thuật này. Không lâu sau đó, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Những ai có dịp được nghe giáo sư Trần Văn Khê nói về cội nguồn âm nhạc dân tộc, mới cảm được hết cái tình của một người nhạc sĩ suốt đời say mê nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam. Hiếm có một vị giáo sư nào mà vừa có thể thuyết giảng, về chèo, tuồng, cải lương, hát bài chòi, hò Huế, hò lục tỉnh… lại vừa đàn, vừa ca rất hay, gây hấp dẫn cho người nghe giống như ông.

Ông mất đi nhưng để lại cả một gia tài đồ sộ là bao nhiêu tài liệu về âm nhạc cổ truyền của Việt Nam và các dân tộc châu Á, châu Phi mà ông đã nghiên cứu và sưu tầm suốt mấy chục năm từ ngoại quốc cho đến quê nhà.

Trần Chí Phúc / SBTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *