Nối tiếp chủ đề phòng trà ca nhạc xưa, Dòng Nhạc Xưa mời quý vị tìm hiểu đôi nét về các ban tam ca nữ đình đám của Sài Gòn thuở đó qua một bái viết của ký giả Lê Văn Nghĩa.
Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Các ban tam ca nữ đình đám
(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn Nghĩa đăng trên thanhnien.vn ngày 2016-11-02)
Ngoài ban tam ca Đông Phương mang âm hưởng dân ca ba miền VN hát tại Đêm Màu Hồng thì từ năm 1969, các ban tam ca nữ hát nhạc trẻ cũng được các phòng trà khác đầu tư.
Ba trái táo – The Apple Three
Phong trào lập ban tam ca nữ đã bùng lên từ khi Ba Trái Táo (The Apple Three) ra mắt tại phòng trà Baccara vào giữa năm 1969. Nhóm do nhạc sĩ Lê Vũ Chấn của phòng trà Baccara thành lập gồm ba thành viên Tuyết Hương, Tuyết Dung và Vy Vân.
Khi còn cộng tác với phòng trà Ly Lan ở đường Lý Thái Tổ, Tuyết Hương ăn mặc còn khá luộm thuộm nhưng bù lại có một khuôn mặt sáng, thông minh, nụ cười cởi mở. Cô hát nhạc ngoại quốc khá nghề, nhất là bài It’s now or never, Bambino… Theo lời ca sĩ Mỹ Hòa thì Tuyết Hương rất sành nhạc ngoại quốc, xứng đáng là bậc đàn chị của mình.
Vy Vân cũng như Tuyết Hương, xuất thân từ những club Mỹ. Vào gần cuối thập niên 1960 tại Sài Gòn, cô bé tên Cảnh Vân, lúc đó đang học lớp đệ tứ (lớp 9 – PV) tại Trường Nguyễn Bá Tòng, sau khi đã từng là học sinh chương trình Pháp của các trường Thiên Phước và Les Lauriers. Nhờ giọng hát độc đáo pha lẫn nhạc blues và soul nên Cảnh Vân, sau đó đổi tên là Vy Vân, đã được một số ban nhạc trẻ mời cộng tác. Những ban nhạc trẻ như The Black Bees, The Beat và The Blue Jets đã nổi lên phần lớn nhờ vào tiếng hát của cô.
Sự tan rã của Ba Trái Táo bắt nguồn từ tính khí bốc đồng của cô khi nhiều lần bỏ ban tam ca này để hát độc lập và sau khi sinh bé Phi Phi, Vy Vân đã chia tay với Ba Trái Táo để lại Tuyết Hương, Tuyết Dung ở lại với Eve Club (trên đường Tự Do, Đồng Khởi ngày nay), mà trước kia họ cùng đứng ra khai thác.
Ba Con Mèo – The Cat’s Trio
Thành lập vào tháng 11.1969 (sau Ba Trái Táo), được sự tín nhiệm của Jo Marcel, “ba con mèo” Uyên Ly, Mỹ Hòa và Kim Anh vung vẫy vuốt của mình trên sân khấu phòng trà Ritz. Uyên Ly đẹp, khuôn mặt ngây thơ. Mỹ Hòa già dặn và điêu luyện còn Kim Anh thì ngổ ngáo với mái tóc con trai trên sóng mũi cao, đôi mắt tròn to, nghịch ngợm. Đây là một ban tam ca hòa thuận, êm đềm nhờ biết dung hòa giữa những cái tôi của ca sĩ và phụ nữ. Đây là một ban tam nữ… sống dai.
Xin được nói thêm về con mèo Uyên Ly một chút. Nàng tên thật là Thúy Liễu, sau khi đậu tú tài đôi xong là ghi danh theo học trường luật nhưng thời giờ chính nàng dành để tập tành hát xướng. Uyên Ly không định theo kiếp cầm ca vì mộng của cô vẫn mê làm ký giả. Bước vào con đường ca hát là một sự bất ngờ khi nhạc sĩ Lê Vũ gọi các cô Mỹ Hòa, Kim Anh lại và ghép ba cô thành nhóm Ba Con Mèo xinh đẹp. Hát nhạc nước ngoài thuần thục nhưng Uyên Ly vẫn thích hát nhạc Phạm Duy.
Uyên Ly gia nhập thế giới phòng trà vào năm 1969, bắt đầu từ Baccara rồi chạy sang Queen Bee, Tự Do và Văn Cảnh. Ngoài công việc đi hát ban đêm, ban ngày Uyên Ly tham gia viết cho trang nhạc trẻ trên một tờ báo. Đi hát, với cô chỉ là một giai đoạn tạm thời còn tương lai thì sẽ chọn một nghề nào đó khác.
Tam ca Chuông Vàng – The Golden Bells
Cuối năm 1970, không hát cho các club Mỹ nữa, Xuân Hoàng kết hợp với Yến Xuân và Linh Phương thành ban tam ca Chuông Vàng (sau khi Mỹ Dung rời khỏi ban này và Linh Phương rời khỏi Mây Hồng). Không thích hát ở các club Mỹ nữa vì không khí phòng trà dễ thương hơn, vả lại giọng ca của Xuân Hoàng chỉ phù hợp với dòng nhạc trữ tình, ngay cả nhạc nước ngoài nhưng với loại bốc lửa như nhạc mà các club Mỹ thích thì Xuân Hoàng không phù hợp.
Tuy nhiên, sau một thời gian, ban Chuông Vàng lủng củng nội bộ nên rã đám. Riêng Xuân Hoàng vẫn ở lại hát tại Đêm Màu Hồng với tư cách độc lập bằng chính tên thật của mình (trước đó, cô lấy tên là Linh Đa). Và từ phòng trà Đêm Màu Hồng, Xuân Hoàng chuyển hướng sang hát nhạc Việt thay cho nhạc nước ngoài mà nàng đã từng hát khi biểu diễn ở các club Mỹ. Trong sự chuyển hướng này có sự giúp đỡ của nhạc sĩ Hoài Bắc – Phạm Đình Chương. Sự trở lại với dòng nhạc Việt này cũng không mấy khó khăn, vốn dĩ Xuân Hoàng đã có năm năm trời tu luyện trong lò nhạc của Nguyễn Đức, cùng lượt với Phương Hồng Hạnh từ năm 11 tuổi. Tham gia ban Việt Nhi vì chỉ thích hát cho vui chứ không nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ, rồi vì sự đưa đẩy của số phận, nàng được một ông chủ phòng trà giới thiệu đi hát ở các club Mỹ kéo dài nhiều năm trước khi Xuân Hoàng trở thành Linh Đa của Chuông Vàng. Về sau, Xuân Hoàng biến mất khỏi Đêm Màu Hồng, có lẽ sang Mỹ du học theo lời khuyên của một bà chị là tiến sĩ y khoa bên Mỹ.
Ngoài các ban tam ca kể trên còn có tam ca Xí Muội với giọng ca chính Uyên Phương; Mây Hồng với Linh Phương, Ngọc Hiếu và Ngọc Anh – một ban tam ca nữ có mệnh số ngắn nhất, chỉ vài tháng. Rồi đến Loan Sisters, ba cô gái đều có tên Loan nên được nhạc sĩ Quang Anh – quản lý ca nhạc của phòng trà Đêm Đông Phương đặt cho cái tên vừa Việt vừa Mỹ. Cũng tiếc cho ban này vì so với Ba Trái Táo, Ba Con Mèo, Mây Hồng, Chuông Vàng thì Loan Sisters được xem là ban hát nhạc Việt hay nhất.
Thời kỳ đó các tam ca nữ nhanh chóng được thành lập và biến mất một cách đột ngột. Có thể vì giận nhau, không ưng ý nhau và đủ thứ lý lẽ của ca sĩ phái nữ vốn đặt cục tự ái của mình lên trên nghệ thuật. Ai cũng tưởng mình là ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật, không có mình thì “tụi nó sẽ xí lắc léo”.
Lê Văn Nghĩa