Quán Bên Đường (Trang Thế Hy – Phạm Duy)

Thi phẩm ‘Đắng và Ngọt’ của thi sỹ Trang Thế Hy viết dưới bút danh Minh Phẩm được nhà văn Bình Nguyên Lộc đổi tựa thành ‘Cuộc đời’ và đưa vào số tháng 9/1959 trên tuần báo ‘Vui sống’ ở Sài Gòn xưa. Từ đó, nhạc sỹ Phạm Duy đã lồng vào một giai điệu thật đẹp để hậu thế chúng ta có bản ‘Quán bên đường’. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết với nhiều thông tin có giá trị của tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa gởi riêng cho chúng tôi để thế hệ trẻ hiểu thêm về nền thi ca, âm nhạc của một thời xa xưa.

Đắng và ngọt nơi quán bên đường.

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa gởi cho DongNhacXua.com ngày 2019-09-24)

Vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, thuở ấy đất nước bị chia đôi theo một hiệp định vừa được ký kết, vì thế từ ngữ “chiến tranh” hiện diện trong tin tức hàng ngày không được người dân quan tâm mà xem đó như một đe dọa không phản ảnh thực tế.

Nhưng rồi chiến tranh không còn là sự đe dọa nữa mà đã thật sự bùng nổ. Các xóm làng chưa kịp hồi sinh bởi những tàn phá của giai đoạn kháng chiến thì nay gặp nguy cơ là phải đối diện với cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Quê hương sẽ lại một phen chìm vào tang tóc.

Cuộc chiến lan rộng khiến nhiều gia đình bị lọt vào vùng chiến địa. Họ buộc lòng bỏ lại nhà cửa ruộng vườn rồi dắt díu nhau lìa xa khói lửa để tìm đường sống. Không có đường nào khác ngoài đường vào thành phố. Họ chỉ có thể mang theo vài bộ quần áo, vài gia gạo, vài tấm hình ông bà; những con bò mạnh khỏe được ưu tiên dẫn theo để định kế sinh nhai bước đầu cho cuộc sống mới nơi đô thị.

Những con bò thủng thỉnh kéo xe dưới trời sao lấp lánh. Trong đêm thanh vắng, lục lạc trên cổ chúng vang lên những tiếng nghe mường tượng như những lời khuyên nhẫn nại. Những tiếng vang đơn điệu cứ lập đi lập lại theo bước chân đàn bò suốt đêm trên những nẻo đường quê gập ghềnh, nó buồn bã vọng vào những xã ấp mà chỉ nay mai thôi sẽ khét lẹt mùi bom đạn, nó cần mẫn như tiếng gọi đàn cùng đi tìm đường sống. Càng về gần thành phố, tiếng lục lạc nghe càng nhẫn nhục, càng rã rời.

NS Trịnh Công Sơn mô tả đám đông ấy chỉ bằng một hình ảnh thôi nhưng lại đính kèm theo đó hàng loạt ngôn từ vô cùng thê thiết. Trong cái tình đồng loại, ông thấy những đám đông đang tất tưởi dắt díu nhau trên nhiều nẻo đường tuôn tràn vào thành phố, đó chính là hình ảnh của: “Đàn bò vào thành phố đêm buồn vắng buồn hơn, đàn bò vào thành phố không còn ai hỏi thăm…”.  Nhìn vào cuộc sống thực dụng chốn phồn hoa; nơi có triệu người quen nhưng chẳng thể có được một người thân, thì thử hỏi xem có bao nhiêu con người còn biết động lòng mà thăm hỏi, mà ủi an những mảnh đời đồng loại!

Cuộc sống của con bò là nông thôn đầy cỏ xanh, là mương rạch tràn trề nước ngọt, là hiền hòa nằm nhơi lại vài nạm cỏ vừa lên men trong bụng bên đụn khói hun muỗi khi chiều chỉ còn thoi thóp nắng. Dưới rặng dừa trĩu quả sát mái bếp; nơi người nông dân đang nhóm lửa, những làn khói xanh xanh bốc xuyên mái lá rồi lững lờ ngưng tụ lại. Đó là khói lam chiều dịu dàng che phủ những mái tranh dẫu nghèo nhưng vẫn vang tiếng trẻ đánh vần ê a giữa đồng quê thanh bình. Nhưng chiến tranh đã lùa mọi thứ vào dĩ vãng. Nó buộc người và bò phải rời bỏ cuộc sống định cư để tiến vào thành phố sống đời du mục ngay trên quê hương mình. Nơi quê cha đất mẹ chỉ còn những nấm mồ tổ tiên chơ vơ nằm đó.

Trong dòng người muộn phiền ấy có hai đứa trẻ cùng xóm, chú bé đầu trọc và cô bé có mái tóc bánh bèo. Chúng ngơ ngác trước cảnh xô bồ của phố thị rồi cùng cảm nhận một nỗi sợ mơ hồ, chúng níu nhau như cách tự vệ duy nhất của tuổi thơ để chống lại sự bất an đang dậy sóng trong lòng.

Cùng lúc đó, vài ngòi bút đã tranh nhau mô tả viễn cảnh về sự phồn vinh tương lai mà không đếm xỉa đến đời sống thực tế tại nhiều địa phương đang càng lúc càng khốn khổ. Cũng thế kỷ trước nhưng vào khoảng cuối thập niên 50; khi chứng kiến một thực tế rất khác biệt với những gì được tuôn ra từ vài ngòi bút đó, thi sĩ Trang Thế Hy đã chua chát tự hỏi về cách kẻ sĩ dùng ngòi bút. Họ dùng cách nào mà sao cây bút, cái gần như là biểu tượng của quyền lực thứ tư ấy lại rất giống với việc dùng chiếc cần câu mà ông gọi là cần câu cơm. Nghệ thuật câu của người dùng loại cần này là “Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật”. Là người trong giới cầm bút, thi sĩ Trang Thế Hy nhận thấy cách kiếm cơm thực dụng này đã lác đác xuất hiện, đã có một số ngòi bút đang phai dần màu mực.

Những phức tạp của chợ đời khiến hai người bạn thân thiết từ thuở ấu thơ bị thất lạc nhau. Nhưng định mệnh đã khép lại những tháng năm thất lạc ấy bằng cách khiến họ tình cờ gặp nhau tại một nơi trong thành phố phồn hoa. Cách sống nơi đô hội và sự vay mượn khéo léo cái dáng vẻ sang trọng đã gây ngỡ ngàng cho nhau, đã chợt vui cho nhau ngay từ phút ban đầu; nhưng đâu ngờ cái ngỡ ngàng ấy, cái chợt vui ấy lại chính là sự nhầm lẫn quá bẽ bàng cho nhau.

Khi nhận ra sự thật, kẻ nhờ vào việc “quay lưng chào sự thật” mà trở nên sang trọng đã run rẩy cầm tay kẻ “bẹo hình hài rao bán” đầy buồn tủi rồi nghẹn ngào hỏi đời nhau vui hay buồn, nhưng cả hai đều không thể trả lời vì thẩm quyền trả lời câu hỏi tê buốt ấy thuộc về cuộc đời!

                                                                   ***

Sự bẽ bàng của thế hệ chúng tôi còn mỉa mai hơn nữa vì những cái quay lưng chào sự thật và những cái hình hài đem rao bán vẫn đang bày la liệt giữa cuộc đời. Cách thức hoạt động rất phức tạp và đôi khi còn được giới có thẩm quyền nào đó giấu sau những chiêu bài tưởng như không thể có gì đẹp hơn.

Thi phẩm “Đắng và Ngọt” của thi sĩ Trang Thế Hy đã hiện diện kịp thời để nêm nếm cho nền thi ca của chúng ta, để tiếp tục đặt ra những câu hỏi cho cuộc đời và phận người.

Đắng và Ngọt được nhà văn Bình Nguyên Lộc chọn đăng vào tập truyện “Quán bên đường”, cái chọn tình cờ như một xui khiến để đắng và ngọt được gặp nhau nơi quán bên đường.

Nhạc phẩm “Quán bên đường” của nhạc sĩ Phạm Duy là một giai điệu đẹp, giai điệu quyện chặt cái ý thơ buồn nhức nhối ấy để cùng vẽ lên  bức tranh mô tả một cảnh đời, tuy chỉ một cảnh đời nhưng lại tiêu biểu cho nhiều phận người trong những giai đoạn xã hội cụ thể.

Nhạc phẩm thuộc dòng nhạc xưa này được Như Tuyết – một trong những tiếng hát của thế hệ tiếp nối hát lên, để kể lại và kể tiếp những vết buồn cũ mới trên quê hương, nơi duy nhất đẹp và buồn như một tiếng đàn bầu.

09/2019 – Nguyễn Hữu Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *