Khúc Nhạc Ngày Xuân (Nhật Bằng)

Những ngày sau hiệp định Genève 1954, khi tiếng súng tạm ngưng và nền cộng hòa mới chớm nở ở Miền Nam, theo dòng người di cư tìm về vùng đất mới, nhạc sỹ Nhật Bằng đã cho ra đời một ca khúc xuân vui tươi, đầy lạc quan: Khúc Nhạc Ngày Xuân.

Nghe lại giai điệu slow fox rộn ràng rất Tây, chúng ta khó hình dung được bản nhạc xuân này được sáng tác gần 70 năm trước, khi nền tân nhạc Việt Nam vẫn còn chưa hội nhập nhiều với âm nhạc thế giới.

Nguồn: AmNhacMienNam.blogspot.com

Phần hình thức đã hay và phần nội dung cũng đặc sắc không kém. Nhạc sỹ Nhật Bằng qua những ca từ đơn giản, mộc mạc đã vẽ nên một bức tranh xuân đầy màu sắc với “ngàn hoa thắm tươi”, “đàn chim tung cánh bay”, “nắng xuân chiếu qua lá mờ”,…

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng gởi đến người yêu nhạc bản “Khúc Nhạc Ngày Xuân” của nhạc sỹ Nhật Bằng và kính chúc quý vị xa gần một mùa xuân thật ấm áp.

Xin ghi chú nguồn Dòng Nhạc Xưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!

Nếu Xuân Này Vắng Anh (Bảo Thu)

Bên cạnh một sáng tác vui tươi “Xuân trong rừng thẳm” mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết trước, nhạc sỹ Bảo Thu còn có một nhạc phẩm nổi tiếng khác viết về mùa xuân: Nếu Xuân Này Vắng Anh. Nhân dịp đầu Xuân mới, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu ca khúc xuân đặc sắc này.

Theo lời tâm sự của nhà nhạc sỹ (Nguồn: Tiền Phong)

Ca khúc Nếu xuân này vắng Anh được nhạc sĩ Bảo Thu sáng tác vào cuối năm 1967. Đó là thời điểm ông nhận đặt hàng từ Hãng đĩa Việt Nam để sáng tác một ca khúc về mùa Xuân.

Ông kể, do thời gian quá gấp nên khi viết xong ông đã không kịp trau truốt lại phần giai điệu nên đã mời ca sỹ trẻ Trúc Ly thể hiện. Điều bất ngờ là bài hát đã được công chúng đón nhận, đồng thời bài háy làm cho tên tuổi của Trúc Ly được biết tới. Nếu xuân này vắng Anh sau đó cũng đoạt giải thưởng Ca khúc viết về mùa Xuân hay nhất của năm 1968 do khán giả bình chọn.

Nếu Xuân Này Vắng Anh (Bảo Thu). Ảnh: HopAmViet.vn

Không biết thực hư thế nào nhưng có một điều thú vị là chữ “Anh” trong bản này được viết hoa như một tên riêng “Anh”. Ngày đó Bảo Thu là chủ sự của chương trình “Tiếng ‘K’ Thời Đại” khá nổi tiếng trên đài truyền hình Việt Nam. Và trong thành phần ca sỹ có một giọng ca trẻ là ca sỹ Phương Anh.

Mà nếu đúng như vậy thì chúng ta chắc phải đặt thêm một dấu hỏi liệu chữ “Yến” cũng được viết hoa có phải ý nhắc đến ca sỹ Trang Kim Yến hay không?

Ngày Xuân nói chuyện vui thế thôi chứ mấy chuyện “thâm cung bí sử” này khó mà người yêu nhạc biết được tường tận, mà có khi càng bí ẩn lại hay phải không các bạn? 🙂

Xin ghi chú nguồn Dòng Nhạc Xưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!

Xuân Trong Rừng Thẳm (Bảo Thu)

Nhạc xuân xưa không chỉ có các nhạc phẩm buồn. Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu bản ‘Gió mùa xuân tới‘ đầy vui tươi của nhạc sỹ Hoàng Trọng. Hôm nay Dòng Nhạc Xưa xin mời người yêu nhạc nghe tiếp một sáng tác đầy lạc quan với giai điệu rộn rã của nhạc sỹ Bảo Thu: Xuân Trong Rừng Thẳm.

Bài này nhạc sỹ Bảo Thu ký dưới nghệ danh Trần Anh Mai. Theo lời tựa trên tờ nhạc, Bảo Thu sáng tác “Xuân trong rừng thẳm” nhân một chuyến công tác ở xứ lạnh Đà Lạt vào những ngày cuối năm 1968.

Ảnh: Trung Tâm Thúy Nga.
Ảnh: VNGuitar.net

Nhạc phẩm gợi lên một nét tương phản giữa khung cảnh núi rừng xa xôi, nơi người chiến sỹ phải “ghì tay tay súng” để “giữ xuân bền lâu” cho mọi nhà với sự nô nức “có dáng xuân vui” ở chốn thành đô.

Có đôi chút luyến tiếc, chạnh lòng nhớ về cố hương nhưng tuyệt đối người chiến sỹ trong “Xuân trong rừng thẳm” vẫn giữ được tinh thần lạc quan để vừa đón xuân nơi núi rừng, vừa làm tròn nhiệm vụ.

Cảm ơn nhạc sỹ Bảo Thu đã để lại cho hậu thế một nhạc khúc thật hay, đầy ý nghĩa cho chúng ta thưởng thức mỗi dịp xuân về!

Xin ghi chú nguồn Dòng Nhạc Xưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!

Gió Mùa Xuân Tới (Hoàng Trọng)

Phần lớn nhạc xuân xưa mang tâm sự buồn và vì thế giai điệu thường là chậm rãi, sâu lắng. Tuy nhiên cũng có một số nhạc phẩm vui tươi, làm cho lòng ta thấy phấn chấn, yêu đời hơn. Trên tinh thần đó, Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng giới thiệu bản ‘Gió mùa xuân tới’ của nhạc sỹ Hoàng Trọng.

GIó mùa xuân tới (Hoàng Trọng). Ảnh: MuaBanSachCu.com

Gió đông non

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Hộp đăng trên vanhoavaphatrien.vn ngày 13/03/2022)

Sau một mùa đông dài, vạn vật đã rất mệt mỏi chống chọi với hanh khô, giá rét…

Rồi mùa Xuân cũng đến với những cơn gió đông ấm áp làm bừng tỉnh sức sống mới.
Những cơn gió đông của nửa đầu mùa Xuân, người quê tôi gọi là “Gió đông non”.

Nhưng tại sao lại gọi là gió đông non?

Thứ nhất là do gió đông thổi suốt từ mùa Xuân qua mùa Hạ, đến tận cuối mùa Thu. Vì vậy gió đông nửa đầu mùa Xuân là gió mới, nên gọi là gió đông non.

Thứ hai cũng như gió heo may, thổi cuối mùa Thu mang hơi lạnh yếu từ phương Bắc đến, làm cho thời tiết rất mát và dễ chịu, nhưng càng giáp Đông thì hơi lạnh càng tăng, tiết trời se lạnh và càng lạnh thêm. Lúc này gió heo may được gọi là “Gió heo may cào”. Gió đông non tuy mang hơi ấm từ biển, nhưng chưa đủ để xua tan cái lạnh của mùa Đông. Nếu gió thổi nhẹ thì mát và dễ chịu, nhưng nếu gió thổi mạnh hơn một chút sẽ thấy se lạnh, thậm chí còn rất lạnh.

Người xưa có câu: “Gió đông non là con gió heo may cào”. Nhắc nhở mọi người không được chủ quan, phải chú ý mặc quần áo vừa đủ ấm, tránh bị cảm lạnh. Nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có tiền sử bệnh đường hô hấp rất mẫn cảm với kiểu thời tiết này.

Gió đông non mang hơi ấm từ biển với độ ẩm vừa phải, kết hợp với nắng Xuân dịu nhạt…như thúc giục cỏ cây đâm chồi non, lộc biếc, gọi trăm hoa đua nở.

Tiếng chim hót véo von đón bình minh thức dậy. Trên cánh đồng làng, lúa xuân đang thì con gái, những cô thôn nữ khỏe khoắn, xinh tươi đang chăm bón ruộng đồng. Thấp thoáng những cánh cò trắng bay ngang…tô điểm cho bức tranh quê thêm đẹp, thanh bình và lãng mạn vô cùng!

Khi hoàng hôn vừa buông xuống là lúc ếch nhái, côn trùng gọi nhau hoan hỷ…tạo nên bản nhạc đồng quê thật du dương, trầm bổng!

Làng quê mùa “Gió đông non” căng đầy nhựa sống, như chất xúc tác nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Là ký ức của tuổi già…là nỗi nhớ quê hương của người xa xứ.

Với tôi mùa “Gió đông non” là tiết trời vô cùng đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người và vạn vật.

Mấy ngày nay tiết trời thật đẹp, “Gió đông non” thổi nhẹ. Vậy mời mọi người hãy ra ngoài trời tắm nắng Xuân, hoà mình với thiên nhiên…thưởng thức “Gió đông non” mát lành, sảng khoái lắm đấy.

Mùa gió xuân

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Thụy Vân Anh đăng trên BaoBacLieu.vn ngày 28/02/2018)

Mùa gió xuân về trong xạc xào tiếng lá. Nghe trong gió hương hoa dại bên đường bung nở, những cánh hoa mỏng manh bay bay trong giọt nắng trong veo miền cổ tích. Ta lang thang trên triền đê lộng gió, nhẩm tính lại tháng ngày chật chội với những bủa vây đời mình. Ta an yên đón ngọn gió mùa ùa vào vội vã như gội rửa lòng mình sau bao ngày tất tả ngược xuôi.

Làng quê mùa xuân. Ảnh: BaoDienBienPhu.com.vn

Những ngày đầu năm bình yên đến lạ. Khói lam chiều thê thiết bên sông, nơi góc bếp bình dị mẹ ngồi nhóm lại ngọn lửa nồng nàn cháy bỏng. Ngọn lửa bao lần thắp lại trong ta những chiều xa xứ. Dáng mẹ gầy hao, sợi tóc bạc vương vào chiều buốt giá. Ta về ngồi cùng mẹ, tựa đầu vào vai mẹ để mặc mẹ càm ràm chuyện chồng con. Để ta biết được bình yên nhất vẫn là bờ vai của mẹ. Ba ngồi uống trà trước sân, tách trà thơm khói bốc lên dậy hương đồng gió nội. Ba nhắc nhiều những chuyện đã qua, nhắc con gái mau tìm cho mình một bến bờ để tựa nương, để những thân già không lo nghĩ về đứa con gái long đong những chiều nhạt nắng. Ba không còn vuốt tóc ta như những ngày thơ dại, ba không còn cõng ta qua con đê dài những ngày mưa gió, ba vẫn ngồi đó kể chuyện tháng năm. Thời gian như khuất lấp lòng người, ta bao lần ước mình bé lại, đủ để vòng tay ôm ba những ngày mưa sấm giật.

Bến sông chiều từng ngọn gió xuân thổi tràn cả miền thương nhớ. Con đò nằm ru mình trên bến. Bao người phụ nữ quê tôi đã đứng nơi bến sông chờ những bóng người đã dần xa khuất. Những cuộc chờ chết lặng dưới dòng nước đỏ ngầu váng vất cả mặt sông. Hàng cây bên đường xôn xao mùa gió mới. Trong cái hồ hởi của đất trời, ta đứng lặng trong chiều nhìn những ký ức  mờ dần trong tiếc nuối đổ tràn. Nhành hoa tím bên đường ngày nào vẫn tím đến kiệt cùng, ngắt một nhành hoa của ngày xưa khờ dại. Ký ức vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu, chỉ có bóng người đã hun hút miền chân trời xa thẫm. Thả cánh hoa theo dòng nước chảy trôi về nơi xa vắng. Gửi ánh nhìn của người ở lại, giờ khắc ấy một nỗi buồn lại tái sinh trong mùa gió mới.

Mùa gió xuân vụt đám trẻ lớn nhanh, trong chiếc áo còn thơm mùi vải mới, ta thấy lại đời mình trong bầy trẻ quê. Những tiếng cười giòn tan hòa vào nắng xuân rực rỡ. Dắt tay đứa trẻ qua con đường gồ ghề sỏi đá, ta như bước qua thêm một ngõ ngách của cuộc đời. Mẹ ngồi trú nắng bên hiên, chiếc radio vẫn phát những bài hát mùa xuân rộn ràng, nhắc nhớ. Mái nhà xưa nằm nép mình trong xóm nhỏ, ta ngồi nhổ từng sợi tóc bạc cho mẹ như găm vào lòng mình một nỗi buồn chất ngất. Mẹ cười. Những nếp nhăn xô nhau ken dày trên khuôn mặt lam lũ của mẹ. Ta muốn ôm mẹ vào lòng mà gào khóc cho thỏa thuê. Mẹ lại cười. Khi đứa con gái khờ giấu những sợi tóc bạc sau lưng. Ba trở về nhà sau ván cờ cùng mấy chú nhà bên. Nắm tay con gái trong mùa gió xuân cần mẫn, ba dúi vào tay ta một chiếc kẹp tóc xinh xinh. Lòng chợt bình yên đến lại, khóe mắt cay cay và bàn tay vẫn không ngừng siết chặt…

Ngoài kia, những ngọn gió xuân vẫn râm ran vũ khúc của đất trời. Vừa đón tuổi mới trong bình yên ấm áp, ta đón chờ những tháng ngày phía trước. Và dẫu có những do dự khiến lòng ta chùn bước. Nhưng tin chắc rằng, ta vẫn có một nơi để trở về trong nồng ấm chở che…

Nguyễn Thụy Vân Anh

Xin ghi chú nguồn Dòng Nhạc Xưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!

Ước Nguyện Đầu Xuân (Hoàng Trang)

Vào những ngày Tết, giai điệu vui tươi cùng ca từ đậm chất xuân của bản ‘Ước nguyện đầu xuân’ lại rộn rã vang lên ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, không ít người yêu nhạc vẫn chưa biết bài này nhạc sỹ Hoàng Trang sáng tác vào những năm 1967 – 1968, khi Miền Nam Việt Nam vẫn còn vào hồi chinh chiến.

Bản này được ca sỹ Giao Linh thu âm lần đầu tiên vào đĩa nhựa ‘Hái lộc đầu xuân’ do hãng đĩa Continental phát hành. Ngày ấy, Giao Linh hát chậm, vừa, da diết, đúng với tâm trạng của tác giả muốn gởi gắm.

Nếu để ý kỹ một chút, chúng ta sẽ nhận ra xuyên suốt nhạc phẩm là lời tâm sự của một cô thiếu nữ còn khá trẻ, ước chừng mười tám đôi mươi. Và cũng như bao thân phận khác thời binh đao khói lửa, nàng cũng hướng lòng về người yêu, một quân nhân đang đồn trú ở một tiền đồn xa xôi nào đó. Dưới đây là phần lời ca gốc mà Giao Linh đã chuyển tải trong bản thâu âm trước 1975:

Một rừng hoa mai nở
Một bầy chim én đưa tin
Chúa xuân giáng trần thật xinh
Năm rồi em trăng gầy
Năm này mười sáu tròn trăng
Đón xuân thấy lòng bâng khuâng
Vì em biết yêu rồi chăng?

Thật lòng yêu thương người
Người miền chinh chiến chưa nguôi
Đón xuân gió lộng rừng xuôi
Hương trầm đêm giao thừa
Hoa lộc khoe sắc mọi nơi
Đơm nụ xuân hồng đôi môi
Người tôi mến yêu đầy vơi

Tuy năm nay em lớn
Nhưng vẫn thích bao lì xì
Thích khoe áo đẹp mẹ cho
Thích nghe pháo nổ đây đó

Đêm xuân thiêng xin khấn
Cho đất nước em bình thường
Ước mơ giấc mộng uyên ương
Có đôi cánh thạnh chung hướng

Dù người sang hay nghèo
Đều mừng xuân ngát hương say
Ý mong phước lộc tròn tay
Ôm nàng xuân trong lòng
Cho dù minh biết hoài công
Thế nhưng vẫn mộng tương lai
Làm tin sống cho ngày mai

Vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết các ca sỹ thời nay khi hát ‘Ước nguyện đầu xuân’ đều sửa lời làm mất đi tính “người lính, chiến tranh, chia cách” và hát nhanh hơn, rộn rã hơn, vui tươi hơn để theo kịp thời đại.

Đây là phần lời mà ngày nay người yêu nhạc hay nghe:

Một rừng hoa mai nở
Một bầy chim én đưa tin
Chúa xuân giáng trần thật xinh
Năm rồi em trăng gầy
Năm này em mới tròn trăng
Đón xuân thấy lòng bâng khuâng
Vì em biết yêu rồi chăng?

Thật lòng em yêu người
Một đời nhân nghĩa cưu mang
Ý anh ý đẹp trời ban
Hương trầm đêm giao thừa
Hoa lộc khoe sắc mọi nơi
Đơm nụ xuân hồng đôi môi
Tình xuân ngất ngây trần gian.

[ĐK:]
Tuy năm nay em lớn
Nhưng vẫn thích bao lì xì
Thích khoe áo đẹp mẹ cho
Thích đi hái lộc đây đó

Đêm xuân khuya em khấn
Cho đất nước ta mạnh giàu
Ước mơ giấc mộng uyên ương
Có đôi cánh đẹp tình thương.

Dù người sang hay nghèo
Đều mừng xuân ngát hương say
Ý mong phước lộc tràn tay
Ôm nàng xuân trong lòng
Môi hồng âu yếm nụ hôn
Đón xuân ước nguyện đêm nay
Đời ta có nhau ngày mai.

Và đây là tờ nhạc do nhóm “Trăm Hoa Miền Nam” phát hành đầu năm 1968.

Ước Nguyện Đầu Xuân (Hoàng Trang). Nguồn: AmNhacMienNam.blogspot.com

Trong những ngày giáp Tết, Dòng Nhạc Xưa mời quý vị yêu nhạc xa gần hãy nghe lại cả hai phiên bản “Ước nguyện đầu xuân” của cố nhạc sỹ Hoàng Trang để có những phút giây vui tươi hoặc lắng đọng, để chuẩn bị đón một mùa Xuân Giáp Thìn 2024 đầm ấm.

Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng)

Nếu phải chọn một nhạc phẩm vui tươi về mùa xuân, người yêu nhạc chắc sẽ không ngần ngại nêu tên bản ‘Điệp khúc mùa xuân’ của Quốc Dũng. Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu tiếp ca khúc xuân nổi tiếng này.

Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Tản mạn về “Điệp khúc mùa xuân”

(Nguồn: https://www.facebook.com/TinhCaMuonThuo)

Ánh mắt mơ trông nơi xa vời
Chở mùa Xuân đến đem nguồn vui ….

Đọc tiếp

Mùa xuân trên cao (Trầm Tử Thiêng)

Khi đất trời vào xuân, cỏ cây như khoát một chiếc áo mới và vạn vật dường như cũng có một sự biến chuyển diệu kỳ. Trước khung cảnh trời đất đang hồi vào xuân, hầu hết các nhà nhạc sỹ mà vốn dễ rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên đều để lại cho đời một nhạc phẩm về mùa xuân. Cố nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng là một trong số đó. Hôm nay Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bản ‘Mùa xuân trên cao’ của nhà nhạc sỹ tài năng, người luôn trăn trở với tình yêu quê hương và thân phận.

Mùa Xuân Trên Cao

(Nguồn: bài viết của tác giả Asasora đăng trên agu.edu.vn ngày 2008-01-30)

“Mỗi buổi sang thức dậy, tiết trời còn lạnh lẽo, không còn được tin nhắn của em gọi dậy…” Tin nhắn hiện lên trong máy di dộng của Con Nhóc vỏn vẹn có 18 chữ thôi như 18 mùa xuân vội đến với nó.

Nguồn: Theo Nghiêm Linh (Gia đình & Xã hội)
Đọc tiếp

Lạc mất mùa xuân (Nhạc Pháp – Lời Việt: Lữ Liên)

Ngày xuân, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bản nhạc Pháp rất đặc biệt với phần lời Việt cũng đặc sắc không kém của nhạc sỹ Lữ Liên: Lạc Mất Mùa Xuân.

Le Géant de Papier & Lạc Mất Mùa Xuân

(Nguồn: http://www.thoidihoc.net/2012/09/le-geant-de-papier-va-lac-mat-mua-xuan.html)

“Le géant de papier” là một trong những bài hát kinh điển của nền âm nhạc lãng mạn Pháp và luôn được xếp trong album những bài nhạc Pháp hay nhất mọi thời đại. Bài hát nói về tình yêu mãnh liệt của một người con trai dành cho một người con gái, vì nàng mà anh chấp nhận làm tất cả mọi thứ, ngay cả những điều khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, hằng mong đổi lại dẫu chỉ là một nụ cười hay một ánh mắt yêu thương của nàng. Tình yêu là vậy, đẹp, mãnh liệt và quyền lực nhất trong mọi thứ quyền lực trên thế gian này. Nó khiến con người ta có lúc mất hết lý trí, chỉ biết yêu và yêu hết mình, chấp nhận hy sinh ngay cả bản thân mình cho người mình yêu. 

đọc tiếp

Cánh thiệp đầu xuân (Minh Kỳ – Lê Dinh)

Một trong những nét văn hóa đặc trưng ngày Tết của Việt Nam là chúng ta gởi những cánh thiệp cho nhau. Những tờ thiệp có khi được in rất đẹp nhưng nhiều lúc chỉ là vài nét chữ đơn sơ mộc mạc nhưng được chúng ta trao gởi cho người thân yêu trong giờ phút linh thiêng lại mang một ý nghĩa tinh thần khó diễn tả. Nhân dịp ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu nhạc phẩm ‘Cánh thiệp đầu xuân’ của hai nhạc sỹ Minh Kỳ & Lê Dinh.

Thiệp xuân kỷ niệm

(Nguồn: bài viết của tác giả Phan Thị Vinh đăng trên chungmotmaitruong.blogspot.com ngày 2014-01-24)

Mùa xuân luôn đem lại sự vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả loài người,mùa xuân với sắc trời trong xanh, lung linh những áng mây trời bâng khuâng mơ mộng. Mùa xuân còn là những hy vọng thần tiên của đôi lứa yêu nhau thủa học trò thấm đẫm niềm thương nỗi nhớ.Mùa xuân tô điểm cho môi thêm hồng và mắt nâu vàng chan chứa của những “ nàng” học trò bước vào tuổi biết yêu nhận được tấm thiệp chúc tết từ một “chàng” chung lớp hoặc chung trường, thậm chí của bất kỳ một trang “ nam nhân mặc khách ” nào đó gửi tới!

Đọc tiếp

Em còn nhớ mùa xuân (Ngô Thụy Miên)

Với những ‘Mùa thu cho em’, ‘Em về mùa thu’, ‘Mùa thu xa em’, v.v., người yêu nhạc thấy được nhạc sỹ Ngô Thụy Miên dành ưu ái như thế nào cho mùa thu. Tuy nhiên cũng như nhiều đồng nghiệp khác, trái tim ông cũng không khỏi rung động trước khung cảnh đất trời thay đổi khi bước vào mùa xuân. Có một bản nhạc xuân được ông cho ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: Em còn nhớ mùa xuân. Hôm nay, trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu nhạc phẩm đặc sắc này.

Tâm sự của chính Ngô Thụy Miên về hoàn cảnh sáng tác ‘Em còn nhớ mùa xuân’

(Nguồn: https://tannhac.net/nhac-si-ngo-thuy-mien-ke-ve-hoan-canh-sang-tac-nhung-bai-tinh-ca-bat-tu-tan-nhac-viet-nam

Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: HonQue.com

Có một sáng tác đặc biệt được tôi viết ngay sau năm 1975 là Em Còn Nhớ Mùa Xuân, có mang một chút hình ảnh thời sự. Đó là tình khúc duy nhất tôi đã viết khi còn lại ở Sài gòn sau năm 1975 trong nỗi nhớ người bạn gái đã ra đi, giữa những đổi thay, mất mát xảy ra quanh mình trong những ngày tháng đó. Bài hát đã nhắc đến những kỷ niệm đẹp của chúng tôi trong bối cảnh của Sàigòn – Đàlạt một thời thơ mộng:

Trời Sài Gòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay
nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy
Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay

Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba-Lê, đây Luân Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương…

Cuối năm 1978 tôi hoàn tất bản nhạc và hát lần đầu tiên trong một đêm văn nghệ tổ chức trên đảo Bidong trước khi lên đường đi Canada. Cuối năm 1979, tôi đã gặp lại và thành hôn với người bạn gái năm đó.