Hoa trong nhạc: Mimosa

Nhắc đến Đà Lạt, người yêu nhạc thường hay nhớ đến hoa đào qua tuyệt tác “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên. Tuy nhiên lẫn trong số những loài hoa góp vào vườn âm nhạc đủ màu sắc, chúng ta còn bắt gặp Mimosa. Dòng Nhạc Xưa xin tiếp tục chủ đề “Hoa trong nhạc” với bài viết giới thiệu loài hoa đặc trưng cho xứ “Ngàn hoa”.

Hoa “Mimosa” Đà Lạt – lại thêm một “ngộ sự văn hóa”

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Đình Hòa đăng trên vacne.org.vn ngày 2012-01-26)

Có đến 2 loài hoa được gọi chung tên là Mimosa ở Đà Lạt nhưng đều thuộc chi Keo Acacia, không thuộc chi Trinh nữ Mimosa.

Ảnh: http://vacne.org.vn


1.Chi Trinh nữ
(danh pháp khoa học: Mimosa – có nghĩa là Trinh nữ) là một chi khoảng 400 loài cây thân thảo và cây bụi, thuộc phụ họ Trinh nữ (Mimosoideae) trong họ Đậu (Fabaceae), lá kép hình lông chim với các tên gọi dân dã như xấu hổ, trinh nữ, mai dương v.v. (1). Loài được biết nhiều nhất là Mimosa pudica với tên gọi dân dã là cây xấu hổ hay cây trinh nữ bò lan do các lá của chúng khép lại khi bị chạm vào. Nhiều loài khác cũng khép lá lại vào buổi chiều. Trinh nữ có nguồn gốc ở miền nam Mexico và khu vực Trung Mỹ nhưng đã phổ biến rộng khắp như là một

loài cây cảnh được trồng trong nhà trong các khu vực ôn đới và ngoài vườn trong các khu vực nhiệt đới. Năm 1947 Thailand còn mắc sai lầm khi nhập cây mai dương về để cải tạo đất vì chúng là cây họ đậu. Việc trồng ngoài vườn đã làm cho Mimosa nhanh chóng trở thành một loại cỏ dại và một số loài trong đó trở thành loài xâm hại nguy hiểm ở nhiều nơi (1) .

2.Chi Keo (danh pháp khoa học: Acacia) là một chi cây thân bụi và thân gỗ gồm khoảng 1.300 loài, có nguồn gốc tại siêu lục địa cổ Gondwana, ở Nam bán cầu, nay đã bị vỡ ra thành nhiều mảnh như Châu Phi, Ấn Độ, Châu Úc, Nam Cực và một số khu vực Đông nam Á. Chi Acacia có khoảng 950 loài phát sinh ở Australia. Acacia cũng thuộc phụ họ Trinh nữ (Mimosoideae), họ Đậu (Fabaceae), lần đầu tiên được nhà thực vật học Linnaeus mô tả năm 1773 tại châu Phi. Một số loài keo có hoa đẹp được trồng làm cảnh, phổ biến nhất có lẽ là Acacia dealbata (keo bạc) có các lá từ màu lục xám tới màu bạc và các hoa màu vàng sáng. Keo bạc đôi khi còn bị gọi sai thành “trinh nữ” (Mimosa) tại một số khu vực có trồng cây này (chẳng hạn tại Đà Lạt, Việt Nam) (2)

3.Khi nhắc đến Đà Lạt hầu như mọi người đều nghĩ ngay đến thành phố hoa và không quên nhắc đến một loài hoa được gọi là Mimosa. Hoa “Mimosa Đà Lạt” có thân gỗ cao đến 10m. Gắn liền với những câu chuyện tình không kém xúc động, hình dáng mảnh dẻ thanh thoát, màu hoa vàng kiêu sa lộng lẫy, hoa “Mimosa” Đà Lạt thường được các ca khúc, các thi phẩm gọi là “em”, là biểu trưng của các sơn nữ, là biểu tượng của các mối tình si.

Nhưng Đà Lạt không chỉ có 1 mà có đến 2 loài hoa cùng được gọi chung tên “Mimosa” : đó là Keo lá tròn Acacia podalyriaefolia Cunn.ex G.Don và Keo bạc Acacia dealbata Link, đều thuộc chi keo Acacia, thoạt nhìn rất giống nhau, đều có bông màu vàng sáng hình cầu như chùm tia nắng, nhưng có thể phân biệt rất dễ qua hình dạng và cấu trúc lá. “Mimosa Đà Lạt” đâm bông từ khoảng tháng 10 dương lịch đến mùa xuân năm sau, nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân, tạo nên một nét riêng cho Đà Lạt . Ở Việt nam cũng chỉ có Đà Lạt là có các loài hoa này nên nhiều người coi “Mimosa” là loài hoa biểu trưng cho thành phố hoa và sương mù.

4.Cho đến nay không rõ ai là người đầu tiên gọi hoa Keo vàng là Mimosa. Tại vì nó cùng họ (nhưng khác chi) với chi Trinh nữ Mimosa chăng? Tại vì hoa của chúng rất giống nhau chăng? Hay là vì cái loài hoa biểu tượng của tình yêu đẹp đến thế thì đương nhiên phải được gọi là Trinh nữ (Mimosa) chứ không thể có cái tên xấu xí là Keo được (?!) Cho rằng sự nhầm lẫn này là rất …có duyên, nhưng lại làm cho hàng loạt nhầm lẫn khác phát sinh, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và truyền thông về đa dạng sinh học. Vấn đề này sẽ thực sự là …vấn đề khi có quan điểm cho rằng cần chọn hoa biểu trưng của Đà Lạt là “Mimosa”. Bởi vì khi đó danh có chính thì ngôn mới thuận được.

Hai loài Keo Acacia hoa vàng ở Đà Lạt đều được gọi chung là hoa Mimosa

Đến Đà Lạt ngắm hoa “Mimosa” du khách lại nhớ đến Hồ Gươm Hà Nội có “cụ” Giải thuộc chi Rafaetus họ Baba nhưng ai cũng thích gọi là “Rùa” để minh họa cho truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa thần. Giới khoa học cũng tranh luận suốt là nên trả lại tên cho “cụ”. Nhưng thói quen vẫn chiến thắng.

Đến Quảng Yên – Quảng Ninh ngắm 2 “cụ” cây Muồng ngủ, nhưng lại được gọi là hai “cụ” Lim để minh chứng cho rừng lim xưa tại vùng này đã từng cung cấp cọc lim Bạch Đằng vào các năm Ngô Vương Quyền (938), Lê Đại hành (981) và Trần Hưng Đạo (1228) đại phá giặc phương Bắc (theo Hội đồng Cây di sản Việt Nam VACNE).

Lại nhớ đến câu chuyện cho bánh chưng vuông biểu tượng của Đất bánh dày tròn biểu tượng của Trời là sản phẩm từ thời Lang Liêu Hùng Vương. GS Trần Quốc Vượng sinh thời đã phê phán: đó là một “ngộ sự văn hóa”, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa từ thời Bắc thuộc. Theo ông: “Bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dày tròn tượng Trời là một triết lý rất Trung Hoa nhưng triết lý ấy thực ra còn chưa có ở đời Hán. Vậy, làm gì có chuyện “bánh chưng vuông tượng Đất” ra đời ở Việt Nam vào thời Hùng Vương? (3) .

Thế mới biết cái sai nhiều khi có sức mạnh hơn cái đúng rất nhiều! Nhưng chả lẽ những chi tiết đắt giá ấy của một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” lại được xây dựng dựa trên những “ngộ sự văn hóa”?

Loài Keo Acacia hoa vàng mượn cái tên rất nữ tính “Mimosa” cũng đã đi vào ký ức người Đà Lạt và du khách xứ sương mờ. Chúng cũng đã đi vào nhiều thi phẩm và ca khúc, ví dụ bài hát Mimosa của nhạc sĩ Trần Kiết Tường vốn cũng đã kịp nằm lòng những cặp tình nhân cả mấy chục năm qua. Bản tình ca nổi tiếng này là một trong nhũng “chứng chỉ” khẳng định cái tên “Mimosa” cho hoa Acacia Đà Lạt.

Mi-mô-sa! Từ đâu em tới ?
Mi-mô-sa! Vì sao em tới đất này ?
Đà Lạt đồi núi chập trùng
Đà Lạt trời mây nước mênh mông …

“Hữu sắc tự nhiên hương”, chắc rằng những bông Keo Acacia hoa vàng kiều diễm của xứ sương mù sẽ vẫn nổi tiếng và được yêu quý mà không cần phải mượn tên Trinh nữ Mimosa làm “nghệ danh”. Cần trả lại tên cho “em” !

Tác giả xin chân thành cảm ơn PGS.TS Trần Văn Thụy, Chuyên gia Thực vật học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đọc và thẩm định bài báo nhỏ này.

Chú thích

(1 Chi Trinh nữ. http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Trinh_n%E1%BB%AF

(2).Chi Keo. http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Keo

(3). Trần Quốc Vượng. Triết lý bánh chưng bánh dày. .http://www.danangpt.vnn.vn/vanhoa/detail.php?id=42&a=76

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *