Sử Ca: Hội Nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước)

Lịch sử mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam đã chứng kiến không biết bao lần giặc ngoại xâm tấn công bờ cõi nước nhà và cũng bấy nhiêu lần chúng ta đứng lên đánh đuổi ngoại bang để bảo tồn giang san. Hội nghị Diên Hồng diễn ra ngay khi quân nhà Nguyên hăm he trở lại Đại Việt lần thứ hai. Năm 1284, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập các vị bô lão, đại diện cho tất cả con cháu dòng giống Lạc Hồng về điện Diên Hồng ở kinh đô Thăng Long để trưng cầu dân ý về chuyện quyết chiến hay chủ hòa với đội quân hùng mạnh của Hốt Tất Liệt. Và kết quả là: lòng dân quyết ĐÁNH. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bản hùng ca “Hội Nghị Diên Hồng” do nhạc sỹ Lưu Hữu Phước sáng tác với sự góp sức của Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ cho phần lời nhạc.

Hội Nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước). Ảnh: HopAmViet.

Hội nghị Diên Hồng

(Nguồn: Wikipedia)

Hội nghị Diên Hồng là hội nghị được tổ chức năm 1284 tại kinh thành Thăng Long do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Phù điêu Hội nghị Diên Hồng tại Đền thờ Đức Thánh Trần, Quận 1. Trong đó khắc họa rõ nét cảnh các vị bô lão thể hiện ý chí quyết đánh quân Nguyên. Ảnh: Wikipedia

Bối cảnh

Hội nghị diễn ra sau khi đế quốc Nguyên vừa tiêu diệt Nam Tống và đang ráo riết chuẩn bị chinh phạt Đại Việt. Hốt Tất Liệt, hoàng đế Đại Nguyên, đã nhiều lần ra yêu sách đòi các vua Trần sang chầu, nhưng đều bị cự tuyệt.

Trước khi Hội nghị bắt đầu, nhà Trần thăm dò và biết được quân Nguyên huy động một lực lượng rất lớn. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: số quân nhà Nguyên điều là 50 vạn từ phương Bắc tràn xuống; kết hợp với cả gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên; tin rằng với sức mạnh như vậy sẽ nhanh chóng bóp nát nước Đại Việt.

Đối phó với đạo quân hùng mạnh như vậy, nhà Trần khôn khéo triệu tập hội nghị – đầu tiên là Bình Than (1282) bàn về chiến lược đánh giặc của tướng soái và quân nhà Trần.Ý thức được rằng, muốn chiến thắng được đội quân khổng lồ của nhà Nguyên, cần có sự tham gia của nhân dân.

Diễn biến Hội nghị

Tham dự hội nghị này là các vị bô lão, đại diện cho nhân dân cả nước. Thượng hoàng đích thân ban yến và hỏi các vị bô lão là nên đánh hay nên hòa. Một đời thân phận thấp hèn, tay bùn chân lấm, nay bỗng dưng được triều đình mời vào tận hoàng cung để bàn quốc gia đại sự, tinh thần của các vị bô lão phấn chấn khác thường.

Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5:

Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.

Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các bô lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến người dân.

Mục đích

Thứ nhất, hội nghị này sẽ có tác dụng thăm dò, đo lường mức độ căm phẫn của nhân dân đối với kẻ thù, mức độ nhân dân ủng hộ chính quyền, từ đó đánh giá được nội lực trước khi vạch ra chiến lược chiến tranh.

Thứ hai, hội nghị này là một động thái thể hiện sự tôn trọng của triều đình đối với các bô lão – vốn được hưởng cái gọi là “lão quyền” trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Hội nghị này có tác dụng đoàn kết các sắc dân, củng cố mối quan hệ nhân dân – chính quyền. Mặc dầu địa vị người dân lúc đó rất thấp nhưng tài lực cho cuộc chiến thì nhà vua vẫn phải dựa vào họ.

Thứ ba, hội nghị này sẽ làm cho hoạt động của chính quyền trở nên minh bạch hơn, tạo niềm tin cao hơn cho người dân; gầy dựng sự chính danh cho chính quyền khi quyết định cuộc chiến. Nếu giữa chừng của cuộc chiến có điều gì bất lợi, thì hội nghị này ngay từ đầu đã loại bỏ sự đổ lỗi từ phía xã hội cho chính quyền.

Thứ tư, chính quyền đã biết sử dụng bô lão là tầng lớp có ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội làm người tuyên truyền phổ biến đường lối của tầng lớp cầm quyền. Các bô lão khi đã “đả thông tư tưởng” thì trở thành những người tuyên truyền tự nguyện cho nhà nước, góp phần tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội.

Như vậy, trưng cầu dân ý với tư cách là quyền của người dân thì chưa hề xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, nhưng bốn chức năng chính trị nêu trên của trưng cầu dân ý đã được vua Trần khéo léo sử dụng từ thế kỷ 13.

Bên cạnh góc độ quyền của người dân – một thiết chế bảo đảm dân chủ, thì đứng về phía những người cầm quyền, trưng cầu dân ý rất có lợi cho chính quyền, sẽ là công cụ để nắm lòng dân, củng cố sự cầm quyền[4].
Nhận xét

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5:

"Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy."

Hai chữ Diên Hồng đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của một dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa nhà nước với người dân trong mối quan hệ vua-tôi, trên-dưới… Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch sử và trong chừng mực nào đó cũng biểu hiện nhân tố cận dân, thân dân như một giá trị truyền thống mang ý niệm “dân chủ” sau này được xác lập trong thời kỳ lịch sử cận và hiện đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *