Dòng Nhạc Xưa đã từng viết giới thiệu 3 bản nhạc trong trường ca “Hòn Vọng Phu” bất hủ của nhạc sỹ Lê Thương:
Giờ đây để quý vị yêu nhạc xưa có thêm tư liệu tham khảo, chúng tôi xin mạn phép gởi đến một bài viết của tác giả Cung Mi.
Nhạc Sĩ Lê Thương và thiên trường ca Hòn Vọng Phu
(Nguồn: bài viết của tác giả Cung Mi đăng trên sbtn.tv ngày 2016-09-17)
Theo hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Lê Thương sinh năm 1913. Ông cùng với anh em nhạc sĩ Hoàng Quí, Tô Vũ (Hoàng Phú) đã thành lập một ban nhạc tại Hải Phòng từ năm 1935, chuyên đi phụ diễn cho đoàn kịch của thi sĩ-kịch tác gia tiền chiến Thế Lữ. Có thể xem Lê Thương là thế hệ đầu đàn của nền âm nhạc tiền chiến Việt Nam.
Sáng tác từ rất sớm, nhạc sĩ Lê Thương sáng tác rất nhiều thể loại ca khúc khác nhau. Đặc biệt, ông có những tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng thuộc dạng để đời, như bài Thằng Cuội (đã nhắc đến trong bài viết chủ đề Trung Thu), Học Sinh Hành Khúc, Ông Nỉnh Ông Nang… Tuy nhiên, không một ai, kể cả tác giả, có thể phủ nhận thiên trường ca Hòn Vọng Phu là dấu ấn độc nhất vô nhị của Lê Thương trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Nhạc sĩ Lê Thương đã có lần nói chuyện với bằng hữu văn nghệ rằng, nếu sự nghiệp sáng tác của ông chỉ dừng lại với 3 bài Hòn Vọng Phu thôi, thì cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Điều này hoàn toàn có lý. Những người yêu nhạc Việt Nam thuộc mọi thế hệ hầu như ai cũng đều biết đến một trong ba, hay cả ba bài Hòn Vọng Phu.
Theo wikipedia, Hòn Vọng Phu được sáng tác vào khoảng những năm 1943-1947. Nhạc sĩ Lê Thương đã nghiền ngẫm Chinh Phụ Ngâm rất kỹ trước khi viết trường ca này. Hòn Vọng Phu đã dựng lại hình ảnh được xem như tiêu biểu cho định mệnh của dân tộc Việt Nam: những người phụ nữ mòn mỏi trông chờ chồng về từ các cuộc chinh chiến triền miên. Trông chờ đến khi hóa đá, mà chồng vẫn chưa về. Chuyện Nàng Tô Thị Lạng Sơn. Chuyện Thiếu Phụ Nam Xương. Hình ảnh Hòn Vọng Phu ở Tuy Hòa… Không biết có dân tộc nào, mà thân phận của người phụ nữ được lưu truyền cho đời sau buồn hơn dân Việt như vậy?
Về mặt âm nhạc, trường ca Hòn Vọng Phu là một tuyệt tác, kết hợp được nét đẹp của hai nền âm nhạc Tây Phương và cổ truyền Việt Nam. Hòn Vọng Phu được viết theo dạng truyện ca, gồm có ba phân đoạn. Cũng có thể xem ba phân đoạn này như ba ca khúc riêng biệt, nhưng có nội dung liên kết thành một câu truyện:
- Phân khúc 1 (Hòn Vọng Phu 1) – Đoàn Người Ra Đi: Đất nước có chiến tranh, lệnh vua kêu gọi tòng quân nhập ngũ. Người chồng ngậm ngùi chia tay vợ và con thơ để lên đường bảo vệ non sông.
- Phân khúc 2 (Hòn Vọng Phu 2) – Ai Xuôi Vạn Lý: Người vợ ở nhà nuôi nấng con thơ, ngày ngày trông ngóng tin chồng. Nhưng năm tháng cứ trôi qua, mà tin chồng vẫn bằng bặc. Nàng mỏi mòn ôm con đợi chồng về, cho đến khi hóa đá.
- Phân khúc 3 ( Hòn Vọng Phu 3) – Người Chinh Phu Về: Sau bao năm tháng chinh chiến, người chồng nay đã trở về tìm vợ con. Nhưng định mệnh quá nghiệt ngã! Chàng trở về đã trễ, chỉ còn nhìn thấy hình ảnh vợ con đã hóa đá vì mong chờ người chinh phu. Câu chuyện bi thương Hòn Vọng Phu đã mãi mãi lưu truyền trong sử xanh đất Việt!
Tính cách dùng giai điệu, tiết điệu âm nhạc để miêu tả, kể chuyện cũng nói lên thủ pháp viết ca khúc tuyệt vời của nhạc sĩ Lê Thương. Người nghe có thể dễ dàng tưởng tượng ra những hình ảnh mà tác giả muốn phác họa trong câu truyện Hòn Vọng Phu của mình. Trong Hòn Vọng Phu 1, giai điệu khẩn cấp như tiếng trống khua quân, như tiếng loa đọc lệnh vua kêu gọi nhập ngũ:
Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường,
Đoàn ngựa xe cuối cùng,
Vừa đi theo lối sông.
Phía cách quan sa trường,
quan với quân lên đường,
hàng cờ theo trống dồn
ngoài sườn non cuối thôn,
phất phơ ngậm ngùi bay …
Trong Hòn Vọng Phu 2, tiết điệu chậm buồn, giai điệu như có một chút nhẫn nại cam chịu, diễn tả hình ảnh người thiếu phụ ngày ngày mong mỏi tin chồng:
Người vọng phu trong lúc gió mưa,
Bế con đã hoài công để đứng chờ,
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ
Có đám cây trên đồi sống trong trong mơ hồ,
Ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa..
Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ,
Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ, cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già
Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa,
Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?…
Và trong Hòn Vọng Phu 3, thoạt đầu người nghe tưởng như nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập của người chồng trở về. Nhưng đến cuối, giai điệu chậm lại, như để diễn tả tâm trong bi thương của người về, nhưng nhận ra là mình đã quá trễ:
Nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng mau dồn chân
Vết bước đi trên phím đá mòn còn in dấu
Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đỉnh trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang dậy trong lòng
Đã có không biết bao nhiêu ca sĩ, ban nhạc đã trình diễn tuyệt tác Hòn Vọng Phu. Một trong những phiên bản mới nhất, và cũng thuộc hàng công phu nhất, là của Trung Tâm Asia dàn dựng trong chương trình Hùng Ca Sử Việt. Nhạc sĩ Trúc Hồ đã cho biết anh đã rất xúc động, và đầy cảm hứng khi bắt tay vào việc nghiên cứu, hòa âm cho trường ca Hòn Vọng Phu. Tuy nhiên, nghe lại phiên bản từ trước 1975 vẫn có cái hay riêng của nó. Phần hòa âm tuy đơn giản, nhưng đủ làm nền cho giọng hát chân tình của Hoàng Oanh kể chuyện.
Câu chuyện bi ai muôn đời của những người thiếu phụ Việt Nam, khi hình ảnh vọng phu đã trở thành định mệnh của cả một dân tộc…
Cung Mi / SBTN